Sau khi hoàn thiện, Phong gửi phim ngắn mang tên Do you know what happens to your trash? (Bạn có biết rác của mình sẽ đi đâu không?) tham gia cuộc thi The Genius Olympiad. Đây là một cuộc thi về môi trường lớn dành cho học sinh trung học trên toàn thế giới được tổ chức thường niên tại Mỹ.
Do you know what happens to your trash? sau đó đã giành huy chương bạc quốc tế, đồng thời được chiếu trong một liên hoan phim về môi trường tại bang Florida (Mỹ).
Hoàn thành dự án, Phong cảm thấy chắc chắn hơn về con đường mình muốn theo đuổi. Em cũng tham gia một vài cuộc thi khác về môi trường để thử sức.
Tình cờ biết đến cuộc thi “Future Blue Innovation” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, Phong cùng 3 người bạn trường Ams quyết định đăng ký tham gia.
Ý tưởng ban đầu của cả nhóm sẽ tạo ra một thiết bị giúp thu thập các dữ liệu về môi trường. Vì thế, nhóm của Phong quyết định tạo ra một phần mềm sử dụng trên điện thoại thông minh, kết hợp với thiết bị đo đạc để đo các chỉ số không khí.
Khi sử dụng ứng dụng này trên điện thoại, người dùng sẽ xem được các chỉ số tại những nơi đã đặt cảm biến đo. Đối với những nơi chưa có cảm biến, nhóm dùng thuật toán “nội suy tuyến tính” để tính ra chất lượng không khí với thông tin chính xác. Tính năng của thuật toán này hiện ở 14 điểm đo của thành phố đều không có.
“Thiết bị đo chất lượng không khí được nhóm nghiên cứu, tập trung vào việc đo hai loại bụi gây ảnh hưởng nhất đến sức khỏe con người là bụi PM 2.5 và bụi PM10. Ngoài ra, thiết bị này còn đo được độ ẩm và nhiệt độ không khí”, Phong nói.
Sản phẩm này của nhóm sau đó đã giành giải nhất chung cuộc trong cuộc thi, vượt qua gần 1.250 bài dự thi khác.
Thiết bị giúp thu thập các dữ liệu về môi trường của nhóm Phong. |
Tìm thấy đam mê và được bố mẹ ủng hộ, Phong có định hướng rõ ràng sẽ theo đuổi ngành Khoa học môi trường và làm phim khi apply học bổng du học.
“Việc không chỉ yêu thích khoa học và nghệ thuật mà còn biết cách kết hợp cả hai lĩnh vực ấy có lẽ là điểm cộng lớn giúp các nhà tuyển sinh thấy hứng thú về em”, Phong nói.
Ngoài ra, Phong cũng đạt nhiều thành tích về học thuật khi giành giải nhì kỳ thi học sinh giỏi thành phố môn Vật lý, giải nhì môn Khoa học cấp thành phố, giải vàng kỳ thi AI-JAM Online Competition…
Trong bài luận chính của mình, em cũng kể về hành trình “tìm kiếm bản thân” thông qua việc thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Em đã làm những điều tưởng chừng không bao giờ dám thử như hoàn thành vai diễn và đoạt giải trong cuộc thi tìm kiếm tài năng của trường; sẵn sàng hát tại các quán cà phê hay biểu diễn trước hàng trăm người. Ngoài ra, em cũng lập ra kênh YouTube và ghi lại những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày quanh mình để chia sẻ tới mọi người.
“Tất cả điều đó khiến em trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình”, Phong viết trong bài luận.
Năng động, tự tin, dám thể hiện mình… theo Phong, đó là những “đặc trưng” nổi trội của gen Z và là những điều bản thân em luôn hướng về.
“Có một khoảng thời gian, em bị stress và luôn nghĩ mình không có khả năng. Thời điểm đó, em không thể làm được điều gì trọn vẹn. Sau đó em đã thay đổi, học cách tin tưởng vào khả năng của bản thân và không bao giờ sợ thất bại. Mọi thứ dần dần đã đi vào quỹ đạo như những gì em muốn”, Phong nói.