Phương Anh cũng nhận thấy cơ hội học tập, việc làm của ngành Luật rất rộng mở nên quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này. Em nói, với ngành học này, sau khi ra trường có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc mọi lĩnh vực thương mại, kinh doanh quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, liên Chính phủ và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại quốc tế và các vấn đề có liên quan; hoặc nghiên cứu và giảng dạy về pháp luật kinh doanh tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong và ngoài nước...
Nữ sinh lưu ý, học Luật thường sẽ phải nhớ mọi thứ một cách khoa học, trật tự và logic. Nhưng bên cạnh việc ghi nhớ, người học phải biết cách tư duy logic nhìn ra mối liên hệ giữa pháp luật và thực tế để áp dụng từng kiến thức vào tình huống cụ thể chứ không áp dụng một cách máy móc.
Sau tốt nghiệp, Phương Anh muốn dành thời gian nghỉ ngơi và ở bên gia đình. Ngoài ra, em cũng đang trong quá trình ôn luyện IELTS để thi chứng chỉ này. Nữ sinh nhấn mạnh vai trò quan trọng của khả năng ngoại ngữ trong thời đại hội nhập quốc tế.
"Hãy biết đặt mình vào vị trí của người khác để lắng nghe và thấu hiểu, không được nhìn nhận mọi việc chỉ từ một phương diện" là quan điểm sống của thiếu nữ Thái Nguyên.
Trên mạng xã hội, Phương Anh rất ít khi cập nhật hình ảnh cá nhân. Em thích cuộc sống bình yên, trân trọng các cuộc gặp gỡ và chuyện trò trực tiếp. "Thời gian là hữu hạn nên chúng ta nên học cách nâng cấp bản thân từ những điều nhỏ, đừng chú trọng quá nhiều vào thế giới ảo", em nhắn nhủ.