Nguyễn Thùy Linh từng có thời gian dài vật lộn phát triển vì thiếu kinh phí.
Năm 15 tuổi, Thùy Linh giành Huy chương vàng đầu tiên và trở thành hiện tượng ở các giải đấu cấp quốc gia. Nhưng phải đến 6 năm sau, cô mới có thể vượt qua Vũ Thùy Trang để giành vị trí số 1 của cầu lông nữ Việt Nam.
Với nhiều người, đó là quãng thời gian thoáng qua. Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, tất cả đều nghĩ Thùy Linh đã thành công rực rỡ và nhanh chóng. Tuy nhiên, 6 năm đẹp nhất của thời con gái đó vốn là 6 năm Thùy Linh chịu nhiều áp lực nhất. Cô phải cải thiện khả năng thi đấu không ngừng và từng có thời gian cảm thấy chán nản vì không vượt qua cái bóng quá lớn của các đàn chị.
“Đó thật sự là quãng thời gian rất dài và đáng nhớ đối với tôi. 15 tuổi, tôi đã có tấm huy chương đầu tiên nhưng mãi đến năm 21 tuổi, tức phải hơn 6 năm sau, tôi mới trở thành tay vợt số một Việt Nam. Trong những giai đoạn tranh suất để đi thi đấu các giải quốc tế, bản thân tôi luôn chỉ là sự lựa chọn số hai, có những giải đấu tôi chỉ ngồi ở trên ghế dự bị nhìn các vận động viên thi đấu, thậm chí không được ra sân phút nào. Lúc đó tôi cũng rất áp lực, tự ti và mặc cảm, nhưng cũng tự nhủ là động lực để tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành số một và được thi đấu nhiều hơn”, Thùy Linh chia sẻ với truyền thông nhân dịp 20/10 năm ngoái.
Ngay cả khi trở thành tay vợt số một Việt Nam, Thùy Linh vẫn vật lộn với vấn đề nan giải của hầu hết các tay vợt trong nước trước đây. Đó là tiền đâu? Nếu chỉ thi đấu mãi trong nước, Thùy Linh sẽ giậm chân tại chỗ. Nhưng nếu tham gia các giải quốc tế thì cô không đủ kinh phí. Ngay cả khi giành chức vô địch, Thùy Linh vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng “lỗ” vì tiền thưởng không đủ trang trải các chi phí liên quan.
Nguyễn Tiến Minh là trường hợp dị biệt của cầu lông Việt Nam. Tay vợt kỳ cựu này đã vươn tầm thế giới nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ của bản thân và gia đình. Gần như không có tay vợt thứ 2 nào làm được điều tương tự.
Đây cũng được xem là lý do khiến Thùy Linh liên tục phải đổi đơn vị chủ quản, từ Hà Nội vào Đà Nẵng và bây giờ là Đồng Nai để tìm kiếm nguồn đầu tư cho bản thân. Trong những năm gần đây, Thùy Linh tiến xa hơn và trở thành vận động viên được nhận đầu tư trọng điểm cho chiến dịch Olympic Paris.
Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam - ông Lê Thanh Hà nhấn mạnh: “Về kế hoạch cho Thùy Linh, Liên đoàn cầu lông cùng Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản Đồng Nai của tay vợt này có những sự chuẩn bị phù hợp nhất để thi đấu tranh các kết quả. Điểm quan trọng là, từ những giải cấp độ Challenge, Thùy Linh tích lũy được tốt điểm số để tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng quốc tế BWF sau đó tay vợt này sẽ tiến dần tới các giải thuộc hệ thống super series quốc tế. Có thứ hạng tốt, Thùy Linh không phải dự vòng sơ loại mà sẽ được vào vòng chính ở các lượt super series và gặp được nhiều tay vợt có trình độ cao để tăng cường khả năng thi đấu”.
Đó là một hành trình rất dài mà Nguyễn Thùy Linh đã phải trải qua. Từ chỗ mông lung theo đuổi thể thao chuyên nghiệp cho đến vị trí số một Việt Nam và tiến ra quốc tế.
Nữ hoàng cầu lông Việt Nam
Chỉ trong vòng nửa năm, Thùy Linh đã giữ 2 danh hiệu lớn ở lại Việt Nam. Trước đó, cô đã thắng giải Việt Nam Open 2022 tại TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thùy Linh đã được tận hưởng chiến thắng ở Olympic.
Đáng chú ý, trong cả 2 giải đấu, Thùy Linh đều không phải hạt giống số 1. Ở Việt Nam Open 2022, cô thậm chí chỉ đứng thứ 6 trong danh sách các ứng cử viên vô địch ban đầu. Trước đó, cô cũng vô địch giải cầu lông Bỉ Open 2022 trong sự ngỡ ngàng của giới hâm mộ.
Trong giai đoạn đỉnh cao này, tay vợt quê Phú Thọ không còn phải quá đau đầu về việc kinh phí xuất ngoại đánh giải. Cũng nhờ thi đấu liên tục, cô đã giải quyết được một vấn đề nan giải của bản thân: đó là cân bằng áp lực.
Thùy Linh tiết lộ: “Phần lớn những thất bại trước đây của tôi lại chính là do mình tự tạo ra áp lực quá lớn cho bản thân. Đây là vấn đề mà tôi đang cố gắng vượt qua và cải thiện khả năng cân bằng”.
Năm ngoái, Thùy Linh đặt mục tiêu lọt vào Top 30 thế giới và tham dự nhiều giải quốc tế hơn. Với đà thăng tiến hiện tại, Thùy Linh có lẽ sẽ sớm vượt qua cột mốc này và khi đó, hành trình kỳ diệu của cô hứa hẹn sẽ còn rực rỡ hơn và kéo dài hơn.
Cần bao nhiêu tiền để trở thành ngôi sao cầu lông? Cầu lông được xem là môn thể thao bình dân và đại chúng. Chỉ cần “đầu tư” một lần vài trăm nghìn, bất cứ ai cũng có thể chơi cầu lông hàng ngày. Tuy nhiên, khoảng cách từ bình dân đến chuyên nghiệp lại cực kỳ khủng khiếp. Chơi cầu lông để luyện tập thể dục thể thao thực sự rất đơn giản, nhưng để trở thành vận động viên chuyên nghiệp lại là câu chuyện khác và trở thành ngôi sao hàng đầu lại càng khác hơn. Chỉ tính đơn giản những chi phí đơn thuần như vợt, lưới, cầu, giày… cũng có thể tiêu tốn của vận động viên chục triệu đồng mỗi tháng. Nếu bạn không đủ xuất sắc như Thùy Linh, bạn có thể tiêu tốn thêm vài triệu đến vài chục triệu cho chi phí huấn luyện và tập huấn. Càng lên cao, càng tốn kém, đặc biệt là đến thời điểm tay vợt bắt buộc phải xuất ngoại để “lên trình”. Theo tính toán tiết kiệm nhất, một chuyến du đấu khoảng 1 tuần ở châu Á có thể khiến một tay vợt tiêu tốn 2.000 đến 3.000 USD và con số này sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi nếu họ sang châu Âu, châu Mỹ tranh tài. Đó rõ ràng là kinh phí khiến các tay vợt Việt Nam không thể tham gia giải quốc tế đều đặn. |