Nguyễn Trác 'gió vẫn trên đường'

11/01/2024, 08:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gió vẫn trên đường' là nhan đề tập thơ được xuất bản gần đây nhất của nhà thơ Nguyễn Trác.

Và ông vừa buồn vừa nhũn nhặn:

“Xin hãy để chúng tôi

được đôi lúc giận hờn phẫn chí

một tí thôi cho đỡ nao lòng

dù chúng tôi biết rất rõ rằng

cả thái độ chán chường

lẫn hoài nghi cuộc sống

có lẽ đều không hợp với Tương lai”.

Ông nhấn mạnh:

“Không ai có quyền vòi vĩnh gì Quá khứ”.

Ông xót xa:

“Nhưng hãy để chúng tôi

được một lần gục đầu vào Quá khứ

như gục đầu vào lòng mẹ ngày xưa

và khóc”.

Nếu giọt nước mắt này, tâm sự có phần chua chát này được Hiện tại thấu hiểu, thì có lẽ sẽ bớt đi nhiều lắm những vô cảm, vô ơn, bớt đi cảm giác xót xa như trong thơ của Phạm Đình Ân – người vào nghề báo, nghề thơ trước Nguyễn Trác mấy năm: “Rắc muối vào vô cảm/ Rắc muối vào vô ơn/ Xót tan lòng muối xát/ Hạt đổ vào vết thương”…

“Chúng tôi không còn quỹ thời gian nào khác/ để nói về cuộc sống hôm nay/… chúng tôi không còn một trái tim nào khác/ ngoài trái tim từng đập ở Trường Sơn”. Dẫu viết vậy, nhưng với một người luôn đặt lòng tin vào những điều tốt đẹp thì cũng không thể đứng ngoài hiện tại. Thế nên gió vẫn trên đường.

Thế nên mới chất vấn chính mình: “Nhưng chả lẽ không ngượng với cá hồi/ Không thẹn trước Nguyễn Thái Học/ Không xấu hổ vì lá biếc/ Quanh hồ Gươm đêm nay gió lạnh bao người”. Và ông chọn một thái độ trung dung dẫu có bất an, thỏa thuận với cuộc sống, chấp nhận những đổi thay mang tính quy luật của xã hội buổi giao thời. Ông ghi lại khoảnh khắc “ngộ” ra ấy khi đang ngắm nhìn “Liễu biếc”:

“Cuộc sống luôn đi trước những lo toan

Đi trước các nhà thơ

Đi trước cả các nhà chính trị

Thế hệ chúng ta vốn dễ bằng lòng và giản dị

Nhưng hôm nay kìa liễu biếc bên hồ”.

***

Có lẽ, may mắn nhất đời Nguyễn Trác là ông không phải lao vào chuyện cơm áo, hay đúng ra là tạng người như ông không biết làm kinh tế. Tiếp xúc với ông, thấy ông lúc nào cũng điềm đạm nhỏ nhẹ và rất mực tình cảm, chu đáo. Nhà có một cậu con trai, nên ông thương quý, chăm lo sâu sát cả khi con đã lập gia đình.

Những đứa cháu nội đem đến sự ấm áp cho tuổi già của vợ chồng ông. Vài năm nay, vì sức khỏe yếu nên ông ít ra ngoài, nhưng vẫn quan tâm đến đời sống thơ, và hào phóng lời khen trước những ý thơ hay. Về phần Nguyễn Trác, càng kiệm lời, ông càng có những bức tranh thơ đẹp. Đây là nét phác thảo ông già ngồi vẽ gốm gọi về cả trăm năm ký ức:

“Lọ gốm dựng nghiêng nghiêng

Chiều nghiêng nghiêng tre trúc

Khúc tỳ bà kỹ nữ

Bay nghiêng trong lòng thuyền

Tóc bạc nghiêng nghiêng đổ

Xuống một thời hoa niên”.

(Chiều Chu Đậu)

Nhạc và họa trong thơ Nguyễn Trác luôn hài hòa, gặp nhau trong những nét chạm nhẹ và thanh thoát, đặc biệt trong những sáng tác gắn với bối cảnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa. Đây là bức tượng vũ nữ Trà Kiệu được ông tái hiện bằng ngôn từ:

“Không thể có thực đâu

Dáng uốn cong của đôi tay vũ nữ

Không có thực

Cả đôi chân kia nữa

Cả tấm thân mang hình ngọn lửa

Cùng mơ hồ phi lý đến ngây thơ…”.

Trong giới văn chương hiện nay có nhiều nhà thơ, nhà văn cầm cọ. Có người về hưu cũng quay sang khám phá năng lực hội họa. Nguyễn Trác có lẽ chưa từng nảy ý tưởng mua cọ mua toan. Nhưng trong thơ ông ắp đầy hình khối và màu sắc, những bức tranh ngôn từ với bố cục vững, thanh thoát, có chiều sâu. Có bức tranh kiệm về hình ảnh mà vời vợi không gian, tâm trạng:

“Một người với chiếc ô hoa

Ngồi che cho một người xa cuối trời”.

(Bây giờ em đã về chưa)

Có bức như ảnh hưởng của trường phái hội họa lập thể:

“Bạn ngồi uống cà phê với sóng

Cô chủ quán như con cá trắng

Và mặt trời loài tảo lang thang

Người bán kem trên cát

Trẻ con như một đàn cá đỏ”.

(Một góc phố biển)

Nguyễn Trác có bài thơ “Mái nhà dưới bóng cây” viết cho con:

“Mái nhà dưới bóng cây

Cây dưới trời trong vắt

Trời xanh đêm và ngày”.

Thơ ca cũng là mái nhà thứ hai của ông. Mái nhà ấy nếu chúng ta ghé vào lúc mưa lúc nắng, lúc nhỡ độ đường sẽ được gặp ông chủ nhà ân cần niềm nở, luôn muốn chắt chiu dành tặng cuộc đời những câu thơ mang năng lượng bình an!

“Chất thơ của Nguyễn Trác là tiếng vang giữa những tương hợp nhẹ và tưởng như nhẹ của sự vật, thanh âm, sắc mầu. Cả những xung động mạnh nhất cũng trở nên u ẩn trong bóng mờ của cảm giác, trong nhịp kết của những thanh không và thanh bằng, và từ một con đường đầy lá ẩm, qua năm tháng, anh rủ bạn tới những dự cảm, phấp phỏng chia sẻ” - Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguyen-trac-gio-van-tren-duong-post665085.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguyen-trac-gio-van-tren-duong-post665085.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Trác 'gió vẫn trên đường'