Ông đã viết cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường” trên tâm thế, trách nhiệm của một “người trong cuộc” với niềm khắc khoải “Tay run mình đỡ tháng năm/ Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người”.
Qua hồi ký, ông muốn gửi gắm tâm tư của những người làm báo trong chiến tranh đến thế hệ phóng viên trẻ, nhấn mạnh dù ở thời kỳ nào, nhà báo luôn phải trau dồi tri thức, bản lĩnh, dành tâm huyết phụng sự đất nước, con người. Ngoài ra, ông cũng thể hiện lòng biết ơn với cơ quan báo chí đã đào tạo và rèn luyện để ông có được sự trưởng thành trong nghề.
Trong phần mở đầu cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường”, nhà báo Trần Mai Hưởng đã kể những dòng đầu tiên về hình ảnh cậu bé Trần Mai Hưởng mới 13 tuổi rời thị xã ở Hải Dương đi sơ tán cùng em gái khi máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc.
Khi ấy, ông đã sớm dự cảm “một sự thay đổi lớn” về “những ngày thanh bình sẽ không còn”. Sau đó, là bước ngoặt, cơ duyên đưa ông đến với nghề báo ở TTXVN với những trải nghiệm thực sự khốc liệt trong chiến trường như những câu thơ ông viết: “Tóc râu giờ bạc trắng rồi/ Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh/ Mấy lần thần chết gọi anh/ Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi...”.
Dẫu vậy, ông vẫn dành những câu từ đẹp nhất để nói về nghề báo: “Những con chữ đong đầy mưa nguồn và chớp bể”, “Ngọn bút xuyên đêm cày lên giấy trắng/ Gian nan những nỗi đoạn trường”, “Những con chữ tìm tổ bay về/ Như một đàn ong cần mẫn”…
![]() |
Nhà báo Trần Mai Hưởng chụp ảnh lưu niệm với các bạn trẻ sau khi đã ký tặng sách. Ảnh: Thảo Quyên. |
Đằng sau vẻ phong trần, “bụi bặm” của một phóng viên chiến trường, ở Trần Mai Hưởng là một hồn thơ lãng mạn, bay bổng, yêu vẻ đẹp của cuộc sống đến lạ kỳ. Ông sáng tác thơ hằng ngày, bám vào những vấn đề nóng bỏng, thời sự.
Trong thơ, ông dùng câu từ giản dị mà sâu sắc, thể hiện một trái tim yêu đời, yêu người, luôn trách nhiệm với cuộc sống. Những bài thơ “Nhân dân không có nhiệm kỳ”, “Tổ quốc ở Tiên Lãng”, “Nhân dân”, “Mặt thật”… đã khắc sâu những điều đó.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận xét: “Là nhà báo có những năm tháng đi qua chiến tranh, cận kề cái chết nên một đặc điểm nổi trội trong thơ của Trần Mai Hưởng là chính luận thời sự. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị lương tâm, thời sự mà ông mang vào thơ ông là thời sự của một lịch sử dân tộc, của nhân dân”.
Cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hưởng gắn bó với nghề báo, với TTXVN từ năm 17 tuổi. Bởi vậy, khi rời nhiệm sở đến hơn 10 năm, ông vẫn giữ được tinh thần của “người Thông tấn”, đó là sự nhanh nhạy, thời sự, đi nhiều, viết “khỏe”.
Gần đây, ông cùng một số nhà báo hưu trí thân thiết, như Ngô Hà Thái, Lê Duy Truyền, Nguyễn Tiến Lễ… thường xuyên có mặt trên những cung đường dọc dài đất nước. Thành quả sau các chuyến đi là những bài thơ, bài báo hết sức nghĩa tình, ấm áp, ngồn ngộn thông tin và cảm xúc chân thành.
Dường như ông vẫn đang trên một cuộc hành trình mới để đi tìm một điều gì đó, để “cảm ơn cuộc đời đã cho ông được sống và viết trên nẻo đường chiến tranh và hòa bình”.
Nhiều người khi đến thăm tư gia của ông ở Khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội) đều ngạc nhiên khi thấy ông “quan báo” một thời có cuộc sống hết sức giản dị. Căn nhà nhỏ đã bạc màu của thời gian, năm tháng.
Điều quý giá nhất trong căn phòng khách là những bức ảnh gắn bó với một thời làm báo của ông. Ngôi nhà đó cũng trở nên hiu quạnh khi mấy năm nay người vợ hiền của ông rời xa trần thế.
Vượt qua nỗi buồn cá nhân, ông lao vào sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí, lao vào những cuộc lãng du, rong chơi với con chữ để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Sáng tác thơ khá nhiều, từng ra mắt nhiều tập thơ được đánh giá cao nhưng ông chỉ nhận mình là một nhà báo yêu thơ mà không có ý định sẽ tham gia sinh hoạt tại hội thơ nào.
Nhà báo Trần Mai Hưởng luôn cảm ơn cuộc đời đã cho ông được sống và viết, được đắm mình trong con chữ bằng cảm xúc chân thành, nồng cháy nhất. Ở tuổi 71, trời phú cho ông sức khỏe, sự dẻo dai và một tâm hồn lai láng, bay bổng. Chính vì điều đó, bạn đọc, những người yêu mến ông đang đón đợi cây bút kỳ cựu này cho ra đời những tác phẩm văn học, báo chí có giá trị.