Cha mẹ cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cùng nhà trường thống nhất kế hoạch và nội dung phòng chống bạo lực học đường để giáo dục con. Thường xuyên diễn giải, chỉ cho con trẻ thấy tác hại và hậu quả của vấn nạn học đường. Đồng thời chia sẻ những điều tốt đẹp, hành vi đúng đắn phù hợp chuẩn mực đạo đức dân tộc Việt.
Với trẻ gây ra bạo lực, gia đình cần phối hợp tốt với Ban tư vấn của trường và địa phương giáo dục con cái tốt hơn trong thời gian ngắn nhất có thể. Làm sao giúp các em nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc mình làm.
Chính quyền địa phương cũng cần thiết lập Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường để trợ giúp, xử lí bạo lực học đường tại địa phương mình. Ban này bao gồm: Đại diện Ủy ban, Đại diện Đảng ủy, Đoàn thanh niên, Đại diện Công an, Đại diện quân sự, chi bộ khóm ấp.
Đầu năm học, đại diện chính quyền địa phương cùng nhà trường, cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch và thống nhất nội dung phòng chống bạo lực học đường. Phải tuyên truyền sâu rộng trên toàn địa phương trong nhiều ngày, nhiều kỳ, nhiều đợt để tất cả mọi người được thấm nhuần một cách sâu sắc nhất.
Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường sẽ giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và nội dung phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường và gia đình. Đồng thời làm đầu mối kích hoạt liên kết bộ ba để xử lí tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
Trường hợp xảy ra bạo lực học đường ở mức độ nghiêm trọng, học sinh bị đình chỉ học tập, nhà trường phải báo cáo toàn bộ hồ sơ diễn biến vụ việc bạo lực cho Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường địa phương. Sau khi tiếp nhận, Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường địa phương trực tiếp đến gia đình (mục đích: thăm hỏi, động viên, chia sẻ) để hiểu rõ suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và mong muốn của học sinh; cũng như cách nghĩ, cách giúp đỡ, giáo dục con của gia đình về sự việc xảy ra.
Ban phòng chống bạo lực học đường địa phương phải cùng đồng hành với học sinh trong suốt thời gian không đến trường. Tổ chức ngay những buổi nói chuyện chuyên đề về bạo lực học đường mời học sinh tham gia. Lắng nghe những ý kiến phản biện của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa khi nhận thức chưa đúng, chưa đạt yêu cầu.
Có thể mời các em tham gia các buổi sinh hoạt đoàn, các hoạt động từ thiện, … giúp giải tỏa tâm lí, cảm nhận sâu sắc hơn những việc làm hữu ích, về tình người. Thường xuyên liên lạc với cha mẹ học sinh để nắm bắt những chuyển biến về thái độ, tư tưởng để phối hợp cải thiện tâm lí các em.
Khi học sinh được trở lại trường, Ban phòng chống bạo lực học đường địa phương cần có văn bản cụ thể sự tiến bộ của học sinh, hướng dẫn thêm cách phối hợp cũng như giáo dục để các em hoàn thiện.
Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường địa phương cần được quyền đề xuất kiến nghị với chính quyền địa phương cắt giảm những chế độ chính sách cần thiết khi gia đình để xảy ra hiện trạng bạo lực học đường hay bạo lực gia đình.
Chính quyền địa phương cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con trẻ. Cần có kế hoạch động viên khen thưởng kịp thời những hành vi tích cực, những việc làm tốt, đáng khen.