Sau khi thôi chức Đốc học, ông chuyển sang kiêm chức Doanh điền sứ, cùng Tri huyện Chân Định là Doãn Chi (con trai cả Doãn Khuê) cùng người dân mở mang thêm đất hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Nghĩa Hưng (Nam Định).
Ban thờ Tiến sĩ Doãn Khuê. |
Năm 1873, Doãn Khuê cùng các nho sĩ lập phòng tuyến chống Pháp bảo vệ thành Nam Định nhưng không thành. Sau thất bại, nhiều người bị triều đình trách phạt, Doãn Khuê bị miễn chức.
Năm 1874, Doãn Khuê được khôi phục chức Thương biện trông coi việc ruộng đất, khôi phục hàm Thị giảng học sĩ, tước Quang lộc tự khanh nhưng ông từ chối, xin về trí sĩ.
Sự nghiệp quan trường của Doãn Khuê có nhiều gian truân lẫn ẩn ức khó tỏ bày. Tuy nhiên, những cống hiến vì dân của vị Tiến sĩ này luôn được người dân lẫn triều đình ghi nhận. Ngoài làm quan, ông được biết đến trong vai trò một nhà giáo mẫu mực khi dốc hết tâm huyết để đào tạo nhân tài - như lời vua Tự Đức đã căn dặn: “Người nên hun đúc dạy bảo nhân tài để cung phụng cho quốc gia”.
Cũng như những nho sĩ đương thời, Doãn Khuê chọn nghề dạy học bởi: “Triều đình dục nhân tài tốt ư do học/ Sĩ phu chính tâm thuật bất hoặc tha kỳ” (triều đình bồi dưỡng nhân tài ắt từ học vấn/ Sĩ phu ngay thẳng, tâm thuật không mê bởi chẳng có con đường nào khác).
Thơ mừng thọ Doãn Khuê của nho sĩ Nguyễn Mậu Kiến năm 1872. |
Giữa năm 1864, các học trò yêu nước ở Nam Định không đồng ý với việc ký hòa ước 1862 với Pháp nên đã tiến hành phá trường thi, xóa niêm yết, kéo vào biểu tình đòi bãi bỏ hòa ước.
“Đại Nam thực lục” ghi sự kiện này như sau: “Các sĩ tử thi Hương ở 2 trường thi Hà Nội và Nam Định làm huyên náo cả trường, đại để cho việc nghị hòa là không phải, hoặc làm huyên náo, hoặc làm ngăn trở, hoặc dán niêm yết, không chịu vào trường, hoặc xin hoãn kỳ thi. Khi ấy quan trường hiểu bảo rồi sĩ tử trường Nam xin đúng kỳ thi; còn trường thi Hà Nội hoãn đến hôm sau mới vào thi”.
Ở Nam Định, Doãn Khuê khen ngợi lòng yêu nước của học trò và khuyến khích đấu tranh phản đối hòa ước, nhưng ông không đồng tình với cách thức hành động của học trò. Ông phê phán việc phá trường thi, buộc phải bắt giữ thủ phạm, nhưng cũng khuyên răn rằng, việc đấu tranh nên có trật tự và có tấu sớ với lý lẽ thuyết phục, có chữ ký liên doanh của tất cả các phủ, huyện.
Cái đức của Doãn Khuê còn đáng quý ở tấm lòng của ông với học trò, mỗi khi có điều kiện ông đều tiến cử học trò mình. Trong đó có Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Huy Quỳnh được Doãn Khuê tiến cử với vua Tự Đức được trọng dụng.
Đương thời, Doãn Khuê được đánh giá là một người “lập đức, lập công, lập ngôn trọn vẹn”. Ông qua đời tại quê hương vào ngày 15 tháng 10 năm Mậu Dần (1878).
Tôn vinh bậc sĩ phu chân chính, năm 1880 người dân xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng – Nam Định) lập đền thờ ghi nhớ công lao. Tiếp nối tinh thần của cha, các con Doãn Khuê đều nặng lòng yêu nước, tham gia đánh giặc gìn giữ vùng biên cương. Trong số đó, có Doãn Chí làm đến chức Tán tương quân vụ rồi hi sinh trong trận đánh với giặc phỉ ở Lạng Sơn. Mộ của Doãn Chí được thờ ở đền Trung Nghĩa.
66 tuổi đời, 40 năm làm quan, trải qua gần trọn 4 đời vua triều Nguyễn, Tiến sĩ Doãn Khuê đã dồn hết tâm nguyện cho việc canh tân đất nước. Nhưng hoạn lộ của ông cũng lắm chông gai, với một lòng yêu nước, thương dân, tính tình ngay thẳng, ông đã mấy lần bị cách lưu, giáng chức, có lúc phải từ quan, trước thực tế quan trường ức hiếp dân chúng, còn triều đình thì làm ngơ. Cuối cùng dưới thời Tự Đức, cũng đã ban phong thẻ bài Quý tự Hiếu Nghĩa.
“Là bề tôi chết trung, là phận con chết hiếu. Càng cảm động trước cái chết trung nghĩa của anh em, linh hồn của anh em tự nó không thể mất được, còn sống mãi. Nghĩa thầy trò, tình cha con vui khổ có nhau mà nay ly biệt. Tình cảm ấy còn vấn vương mãi. Ta từng đem sự việc này biểu đạt lên tỉnh đường, mong được tâu lên triều đình khen thưởng biểu dương để an ủi hồn trung” - Tế trận vong (Doãn Khuê).