Một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là việc bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH&CN mà mình là thành viên tạo ra.
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Điều này không chỉ giúp các sản phẩm KH&CN trở thành hàng hóa mà còn góp phần đưa KH&CN trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, do các chính sách được xây dựng và ban hành ở các thời điểm khác nhau, nhiều "điểm nghẽn" về chính sách đã xuất hiện, dẫn đến số lượng các kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ được thương mại hóa và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh còn khiêm tốn.
Vẫn còn tồn tại nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ; viện, trường có kết quả nghiên cứu tốt nhưng không triển khai được vì có sự khác biệt trong các quy định của Luật KH&CN, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật công chức viên chức, Luật Sở hữu trí tuệ…
Hiện nay, Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thay cho Luật KH&CN hiện hành, để trình Chính phủ vào tháng 2/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN), cho biết, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có nhiều điểm mới.
Một trong số đó là dự thảo luật đã mở rộng nhân lực hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo không chỉ bao gồm nhân lực trong các tổ chức KH&CN công lập mà còn bao gồm: học viên thạc sĩ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ; cá nhân quản lý hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo trong các cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong trong doanh nghiệp; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ độc lập hoặc trong các tổ chức khác.
Dự thảo cũng bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH&CN mà mình là thành viên tạo ra; định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong một thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ.
Trong thời gian làm việc ở các tổ chức này vẫn được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng tại tổ chức KH&CN công lập.
"Đây là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu", bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho hay.
Bên cạnh đó, dự thảo luật mở rộng quy định về giao quyền sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ, trừ một số trường hợp đặc biệt để tạo điều kiện cho tổ chức chủ trì tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết quả và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định này sẽ tháo gỡ nút thắt trong việc định giá trước khi giao quyền trong các quy định hiện nay.
Đồng thời hoàn thiện các quy định sử dụng lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, Bộ KH&CN cũng đang xây dựng Nghị định quy định về thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Nghị định này sẽ áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp công lập, các tổ chức KH&CN tại Hà Nội, cùng các viên chức làm việc tại các đơn vị này. Nghị định có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học chuyển giao công nghệ vào thực tế. Đồng thời, góp phần tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực KH&CN quốc gia.
Theo đó, Nghị định sẽ quy định chi tiết về điều kiện, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Nghị định cũng đề cập đến việc góp vốn vào doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Doanh nghiệp khởi nguồn cần đáp ứng các tiêu chí cụ thể để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả hoạt động. Trước hết, sản phẩm nghiên cứu KH&CN phải được cấp quyền sở hữu trí tuệ hoặc sử dụng hợp pháp. Ngoài ra, đề án thành lập doanh nghiệp phải được phê duyệt, và kết quả nghiên cứu cần có tiềm năng thương mại hóa. Các nguồn lực tài chính và nhân lực phải được chuẩn bị đầy đủ để vận hành doanh nghiệp hiệu quả.
Quy trình thành lập doanh nghiệp khởi nguồn được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp. Quyết định thành lập doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường hoặc người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập...
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Mình, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, giúp các sáng tạo khoa học bước ra khỏi phòng thí nghiệm, vươn đến thị trường, góp phần kết nối mạnh mẽ giữa tri thức và thị trường. Thông qua đó không chỉ mở ra cơ hội thương mại hóa mà còn khuyến khích sự tham gia của viên chức, nhà nghiên cứu vào quá trình quản lý và phát triển doanh nghiệp, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo.