Nhà ở xã hội: Giấc mơ của người lao động – Bài cuối: 'Mở khóa' an cư cho công nhân

Lê Minh Long - Quốc Định | 28/05/2023, 09:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ là chìa khóa giải tỏa được nhiều vấn đề về an sinh. Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ giải. Theo các chuyên gia, khi chưa thể giải được vấn đề này về dài hạn, thì trước mắt, nhà quản lý cần có những giải pháp để công nhân, người lao động thuê được chỗ trọ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, ở gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Mỗi người mua nhà được vay vốn một lần để mua một căn hộ trong danh mục quy định. Mỗi chủ đầu tư được vay vốn một lần cho một dự án.

Bệ đỡ về chính sách, cũng như vốn đã có, câu hỏi đặt ra là làm sao để tháo được nút thắt, mở khóa an cư cho công nhân?

Đề cập đến vấn đề này, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, chính sách rất tốt và nhân văn hướng đến người lao động song quá trình thực hiện còn rất nhiều rào cản khiến số lượng công nhân chưa tiếp cận được với các phúc lợi xã hội về nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, cần thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu và thiết thực hơn nữa để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này.

Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ là chìa khóa giải quyết được rất nhiều vấn đề an sinh. Dẫn chứng, ông Việt Anh lấy ví dụ Singapore là quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25%. Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) được cung cấp một phần bởi quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề nhà ở đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến vấn đề việc làm cũng như năng suất lao động. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp ở đô thị.

“Trước hết cần tạo cơ chế thông thoáng, mở cửa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hỗ trợ họ về vốn, bàn giao đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng người có thu nhập cao mua nhà ở xã hội, bán lại hoặc cho thuê lại đối với người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp các khu đô thị” - ông Lợi nói.

Cần có cơ chế xây dựng nhà cho công nhân thuê

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều không đáp ứng đủ nhu cầu này.

Ông Tiến cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn... Đặc biệt, cần có sự tham gia của các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống, hạ tầng điện, đường của người lao động đang thuê tại các khu trọ. Đặc biệt, cần tính toán phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.

“Trong khi chờ đợi các mô hình hay, trước mắt, cần đầu tư, cải tạo môi trường, hạ tầng sinh sống của người lao động đang thuê nhà tại các khu trọ. Cùng với đó, Nhà nước, các tổ chức có thể tính toán mức hỗ trợ cho công nhân về chi phí, hỗ trợ các chủ đầu tư để tăng diện tích là cho thuê nhà ở xã hội” - ông Tiến đề xuất và cho rằng gốc của vấn đề là lương thấp không đủ sống, khiến người lao động phải tiết kiệm đủ thứ, trong khi chi phí quá lớn.

“Thực chất vấn đề nhà ở công nhân chính là vấn đề kinh tế. Đây là bài toán không dễ giải, vì vậy, trước mắt, Nhà nước, các bộ, ngành cần có những giải pháp làm sao giúp công nhân thuê được chỗ trọ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất. Ở đó, phòng trọ phải thực sự là nơi an toàn để ở chứ không đơn thuần chỉ là căn phòng trọ để ngủ” - ông Tiến nhấn mạnh.

Theo Đại đoàn kết
http://daidoanket.vn/nha-o-xa-hoi-giac-mo-cua-nguoi-lao-dong--bai-cuoi-mo-khoa-an-cu-cho-cong-nhan-5718928.html
Copy Link
http://daidoanket.vn/nha-o-xa-hoi-giac-mo-cua-nguoi-lao-dong--bai-cuoi-mo-khoa-an-cu-cho-cong-nhan-5718928.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở xã hội: Giấc mơ của người lao động – Bài cuối: 'Mở khóa' an cư cho công nhân