Đơn vị này phải thuê đất của người dân (khu vực chờ đền bù, giải tỏa) để làm công trường và phải chi trả tiền thuê cho đến khi người dân nhận được tiền đền bù. Hiện tại người dân yêu cầu không được xây dựng kết cấu chính trên thửa đất khi chưa được đền bù.
"Do không có mặt bằng, nhà thầu phải chạy máy phát điện để thi công từ tháng 12-2022 đến ngày 10-4, chi phí rất tốn kém. Khi lắp trạm điện, nhà thầu thương lượng để các hộ dân đồng ý cho đường điện đi qua" - nhà thầu phụ cho biết thêm.
Vướng mắc chính của công tác giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai là việc xác định đơn giá đất. Theo UBND huyện Nhơn Trạch, huyện đã rà soát sự biến động giá đất đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2022 so với giá đất thị trường tại thời điểm hiện nay.
Trường hợp có thay đổi giá đất, Nhơn Trạch trình lại giá đất cho hội đồng thẩm định giá để UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Vì vậy, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch đã liên hệ Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Đồng Nai (đơn vị trước đây xác định giá đất dự án) để xác định lại giá đất.
Tuy nhiên trung tâm này "đã tạm ngưng nhận hồ sơ thực hiện giá đất" nên huyện gặp khó khăn trong việc xác định lại giá đất để làm cơ sở trình các cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trung tâm đang liên hệ các đơn vị tư vấn xác định giá đất để lập thủ tục tư vấn định giá đất bồi thường.
Tại thông báo kết luận cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng thống nhất yêu cầu huyện Nhơn Trạch khẩn trương làm việc với các sở ngành, có báo cáo đề xuất để tỉnh sớm phê duyệt đơn giá đền bù, phương án bồi thường để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Việc này nhằm tránh phát sinh khiếu kiện khiếu nại từ nhà thầu, tránh phát sinh thêm kinh phí do chậm bàn giao mặt bằng thi công, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Cách đây ít hôm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã yêu cầu huyện Nhơn Trạch khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh chứng thư thẩm định giá trình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tỉnh thẩm định theo quy định và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu huyện Nhơn Trạch chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan rà soát khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để thi công trước và tổ chức vận động các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng trước.
Đồng thời huyện thực hiện song song với việc lập, trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để sớm chi trả tiền bồi thường cho hộ dân đã bàn giao mặt bằng để công trình thi công đảm bảo tiến độ dự án.
Dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 của đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 8,22km, bao gồm 6,3km đi qua tỉnh Đồng Nai, 1,92km qua TP.HCM.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã yêu cầu tất cả các nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu phải tập trung triển khai thi công đến đó. Các đơn vị tranh thủ từng chút một khi có mặt bằng, đặc biệt là các vị trí có xử lý đất yếu là đường găng tiến độ của dự án.