Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời tránh cho chính phủ đóng cửa vào cuối tháng 9 mặc dù không có khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Biden nhưng không ảnh hưởng ngay lập tức đến chính sách của Mỹ đối với Ukraine. Theo đó, các chương trình viện trợ cho Ukraine với mục đích huấn luyện quân đội vẫn được duy trì ở mức độ như hiện nay. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn có quyền sử dụng khoảng 5,6 tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự từ các kho dự trữ hiện có để cung cấp cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Zelensky (Ảnh: AP)
Trước đó, ngày 28/09, Hạ viện Mỹ với tỷ lệ 310/117 cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá 300 triệu USD cho Ukraine như là một phần của dự luật độc lập sau khi lãnh đạo Hạ viện loại bỏ khoản viện trợ này trong gói ngân sách năm tài khóa 2024 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong số đó, tỷ lệ ủng hộ và phản đối của Cộng hòa là 101/117.
Điều này cho thấy, đa số nghị sỹ cả Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang ủng hộ tăng cường viện trợ cho Ukraine mặc dù ngày càng giảm đi. Chính quyền Tổng thống Biden và những người ủng hộ sẽ tiếp tục tìm cách cung cấp các khoản viện trợ cho Ukraine bằng cách này hay cách khác. Quốc hội Mỹ cũng dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán mới về gói viện trợ riêng cho Ukraine trong những tuần tới. Và nếu đảng Dân chủ đáp ứng các đề xuất của Cộng hòa thì nhiều khả năng đề xuất viện trợ của Tổng thống Biden sẽ được thông qua.
Rạn nứt trong mặt trận đoàn kết của phương Tây
Sau những thành công của chính quyền Tổng thống Biden tập hợp được nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu ủng hộ về chính trị và viện trợ về quân sự cho Ukraine, không chỉ giữa Mỹ và châu Âu mà ngay trong nội bộ từng nước đang xuất hiện một số chia rẽ, mâu thuẫn. Theo giới chuyên gia Mỹ, xu hướng này là khó có thể tránh khỏi khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài trong khi các nước đều phải đối mặt với những vấn đề nội bộ, nguy cơ suy thoái kinh tế, lợi ích chính trị…
Chuyên gia Brett Bruen, Chủ tịch Công ty tư vấn Phòng tình huống toàn cầu, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nhận định, việc Quốc hội Mỹ không thông qua khoản viện trợ mới cho Ukraine cho thấy không chỉ đảng Cộng hòa mà ngay cả một số thành viên của đảng Dân chủ cũng sẵn sàng đánh đổi Ukraine vì lợi ích chính trị.
Việc tạm thời trì hoãn các nguồn tài trợ cho Ukraine là động lực cho những người phản đối ủng hộ không điều kiện cho Ukraine và sẽ tác động mạnh đến cán cân Nga-Ukraine. Điều này cũng thể hiện rõ tại một số nước châu Âu, vốn ủng hộ Ukraine như Slovakia, Ba Lan hay Bulgaria… đặc biệt là những nước đã và đang tổ chức tổng tuyển cử. Để đảm bảo lợi ích trong nước, thu hút sự ủng hộ của cử tri, lãnh đạo các nước này bắt buộc phải có các điều chỉnh chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách đối với Ukraine.
Thời điểm này có thể cũng là giai đoạn quyết định làm thay đổi cuộc chiến Nga-Ukraine khi hai bên được cho là đang chuẩn bị những chiến dịch quân sự mới. Chính vì thế, xu hướng đoàn kết hay rạn nứt của liên minh do Mỹ dẫn dắt trong vấn đề Ukraine có thể phụ thuộc một phần vào diễn biến cuộc chiến sắp tới.