Thích ứng trong dạy học, kiểm tra đánh giá
Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nhận định, so với đề thi của chương trình hiện hành, đề thi mới có nhiều sự khác biệt về số lượng câu hỏi, dạng thức câu hỏi và cách cho điểm. Tuy nhiên, đề vẫn đảm bảo về cấp độ tư duy với các mức độ thông hiểu, nhận biết (6 điểm) và vận dụng, vận dụng cao (4 điểm). Với cách ra đề này hạn chế tình trạng "đoán mò" đáp án của học sinh, đánh giá được năng lực, khả năng vận dụng kiến thức bài học.
Tại Trường Nghi Lộc 4, không chỉ môn Hóa học, mà các môn học khác, giáo viên đã chủ động và Ban giám hiệu đã chỉ đạo tìm hiểu, nghiên cứu đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 để nắm rõ cấu trúc, dạng thức đề, mức độ phân hóa. Qua đó từng bước điều chỉnh dạy học để giúp học sinh khối 10, 11 làm quen với đề mới. Bắt đầu từ việc áp dụng các dạng thức đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 vào một số câu hỏi trong bài kiểm tra học kỳ, thi học sinh giỏi trường…
Giờ học tại Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, Nghệ An). Ảnh: NVCC |
Cùng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Văn Tiến – giáo viên Vật lý - Trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho rằng, đề thi tiếp cận xu hướng chung của các nước trên thế giới, phản ánh đúng tinh thần, mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT. Với môn Vật lý, đề thi thiết kế theo hướng phát triển năng lực, tư duy, và khả năng vận dụng vào thực tiễn của học sinh.
Sau khi có đề thi minh họa, ở Trường THPT Đô Lương 1, việc tiếp cận đã bước đầu được thực hiện ở đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường khối 11 đối với môn Vật lý. Về phía học sinh, dù bước đầu tiếp nhận dạng thức đề mới nhưng các em không quá bỡ ngỡ. Cùng với đó, câu hỏi theo hướng tư duy và vận dụng kiến thức vào thực tế cũng đã được học sinh làm quen, giải quyết khi học Chương trình GDPT 2018.
Thầy Nguyễn Văn Tiến tin rằng, với sự chuẩn bị sớm, học sinh sẽ sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều đổi mới năm 2025.