Nhà trường phải là nơi có hàm lượng văn hóa cao nhất

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) | 16/02/2022, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, “nhà trường phải là tổ chức có hàm lượng văn hóa cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội”.

- Để phát huy được vai trò của hiệu trưởng như trên cần sự đồng thuận, đồng hành, nỗ lực của cả tập thể nhà trường, đặc biệt quan trọng là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này cần được quan tâm ra sao để xây dựng được văn hóa nhà trường tích cực?

- Đội ngũ nhà giáo là lực lượng chính để xây dựng và vun đắp cho văn hóa nhà trường. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh đó là nhân cách, đạo đức của người thầy.

Cùng với đó, nâng cao và tôn trọng vị thế giáo viên là một trong những nội dung cần được chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường tích cực. Hai yếu tố chính thể hiện vị thế nhà giáo là: Mức lương, thu nhập trung bình của giáo viên; Nhận thức của xã hội về trách nhiệm, vai trò giáo dục của nhà giáo.

Giáo viên phải toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình mới có thể góp phần xây dựng văn hóa nhà trường tích cực, và người hưởng lợi trực tiếp đó chính là học sinh và gián tiếp là toàn xã hội. Tuy nhiên, mức lương như hiện nay vẫn khiến họ chưa yên tâm cống hiến, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương còn bất cập dẫn đến khó duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo.

Học sinh Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh minh họa: Thiên Thanh

Ngoài việc cần tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của giáo viên; lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của họ vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa giáo viên với học sinh, với đồng nghiệp và nhà trường thì yếu tố “lương và thu nhập” cần được cải thiện.

Liên quan đến nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo, thời gian qua, nhiều vấn đề giáo dục làm ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội về nhà giáo; từ đó, ảnh hướng đến giáo dục nói chung, vị thế nhà giáo nói riêng.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại “nhận thức của xã hội đối với vị thế của nhà giáo” để quay trở lại với những giá trị truyền thống của dân tộc đối với vị thế nhà giáo. Mở cửa, hội nhập, thực hiện giáo dục hiện đại không có nghĩa là phủ nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp về giáo dục và nhà giáo.

Trong đó cần phải luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tương đồng với giá trị truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể của Việt Nam. Những quy định hiện tại không phù hợp, là một trong các nguyên nhân làm thầy/cô bất lực với những học trò hư và giáo viên chỉ còn cách im lặng thì cần phải xem xét, sửa đổi.

- Từ những vấn đề trên, giải pháp ông đưa ra để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực là gì?

- Về giải pháp, tôi cho rằng, Chính phủ cần cải tiến chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhà giáo. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt cho nhà giáo, nhất là nhà giáo vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh.

Hỗ trợ điểm trường, trường học ở vùng điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn các nhu cầu tối thiểu, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo, hạ tầng Internet... Nâng cao đời sống cho giáo viên qua chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác nhằm hai mục đích, đó là: Khẳng định, nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay; Tạo động lực làm việc, giúp đội ngũ nhà giáo toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, thúc đẩy các nhu cầu cao hơn (nhu cầu cống hiến, nhu cầu cao nhất trong 5 nhu cầu của Bậc thang nhu cầu của Maslow).

Hay nói như cha ông mình đã đúc rút “có thực mới vực được đạo”. Đây là hai yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

Bộ GD&ĐT cần có các văn bản hướng dẫn về mục đích, mục tiêu của phát triển văn hóa nhà trường phù hợp với nội dung đổi mới và cải cách giáo dục trong giai đoạn mới.

Mỗi trường học có đặc thù khác nhau và phụ thuộc vào tình hình thực tiễn, bối cảnh xã hội địa phương để xây dựng văn hóa nhà trường của riêng mình. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng “văn hóa nhà trường tích cực” là mục tiêu chung và có các đặc điểm chung cơ bản đối với mỗi trường học.

Vì vậy, cần có những quy định chung nhằm hướng dẫn tổ chức thực hiện. Ví dụ: ban hành sổ tay hướng dẫn xây dựng văn hóa nhà trường tích cực; Quy định về cách thức hoạt động của các tổ/nhóm chuyên môn để hình thành văn hóa tích cực nhằm góp phần ứng dựng các phương pháp sư phạm mới; Hướng dẫn thử nghiệm vai trò mới cho người lãnh đạo/quản lý nhằm thực hiện chức năng lãnh đạo chuyên môn để hỗ trợ giáo viên; Quy định vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo trong việc thiết lập, duy trì văn hóa nhà trường tích cực.

Để làm được việc đó, hiệu trưởng và nhà trường được giao quyền tự chủ nhiều hơn, bớt phụ thuộc vào “mệnh lệnh” của các cấp quản lý; tăng cường trách nhiệm giải trình đối với xã hội và đối với các cơ quan quản lý cấp trên.

Cần có cơ chế lựa chọn nhân sự để tìm ra được lãnh đạo nhà trường thực sự năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới và cơ chế đó phải bảo vệ được những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nha-truong-phai-la-noi-co-ham-luong-van-hoa-cao-nhat-7aJQhPa7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nha-truong-phai-la-noi-co-ham-luong-van-hoa-cao-nhat-7aJQhPa7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà trường phải là nơi có hàm lượng văn hóa cao nhất