Bác sĩ Lâm Tứ Trung, bệnh viện tâm thần Đà Nẵng cho biết: “Khi học sinh có kỹ năng tự chủ, vượt qua áp lực, sự hỗ trợ của cha mẹ và các chuyên gia tâm lý thì các em sẽ vượt qua sức ép trong cuộc sống. Chúng tôi tiếp cận vấn đề theo quan điểm, nếu các em được dạy điều A thì sẽ giải quyết được điều B. Một khi cuộc sống tinh thần tốt đẹp thì kết quả học tập của các em sẽ tốt hơn”.
Trước thời điểm học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Hiền đã có những buổi tư vấn chuyên sâu với từng em trong nhóm 6 học sinh khuyết tật.
“Ngoài động viên tinh thần, hỗ trợ các em tự tin ôn tập đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới thì điều quan trọng nhất với những học sinh này là chuẩn bị tâm lý cho chặng đường sau khi tốt nghiêp THPT. Dựa trên tình hình sức khỏe, đặc điểm tâm lý cũng như nguyện vọng của học sinh, kết hợp tham vấn thêm từ phụ huynh, chúng tôi tư vấn cho các em chọn những nghề phù hợp để sau này có nguồn thu nhập và có thể tự nuôi sống bản thân” – cô Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết.
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương (giảng viên Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng), với mỗi kỳ thi, học sinh phải trải qua 3 giai đoạn: Trước, trong và sau khi thi. Trước kỳ thi, học sinh căng thẳng vì không biết chọn trường nào, rồi mang kết quả của các năm trước ra cân đối… Lúc này, căng thẳng chỉ ở mức nhẹ, chủ yếu sự tác động ở bên ngoài.
Giai đoạn sắp bước vào kỳ thi là cao trào của căng thẳng, không còn nhiều thời gian để tiếp thu kiến thức; học sinh nào đã chuẩn bị tốt thì giai đoạn này vẫn nạp thêm kiến thức. Với những học sinh thời gian qua không chuẩn bị kĩ thì bắt đầu lo lắng. Ngoài kiến thức, một số vấn đề học sinh thường gặp phải giai đoạn này là tâm lý tình cảm cuối cấp, thời tiết, áp lực từ gia đình…
Do đó, TS Nguyễn Thị Hằng Phương cho rằng, phụ huynh nên xác định việc con thi vào trường nào, học ở đâu cũng tốt. “Học tập là một chặng đường dài chứ không chỉ lên cấp 3 hay vào đại học.
Cha mẹ không nên tạo áp lực, đặt kỳ vọng quá nhiều vào khả năng của con. Thay vào đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian động viên con cố gắng, tự tin; yêu thương, quan tâm đến sức khỏe bản thân. Việc dọa hay hứa hẹn đối với các con giai đoạn này đều không tốt, động viên mới là điều tốt nhất. Đối với học sinh, các em cứ vui vẻ, tự tin, thấy sức mình đến đâu thì cố gắng đến đấy”, bà Hằng Phương nói thêm.
“Ngay sau khi có kết quả thi, gia đình nên theo sát những biểu hiện của học sinh, kết nối thêm thông tin từ bạn bè của con và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để có sự phối hợp. Có những học sinh chỉ chia sẻ với bạn bè nên những vấn đề của các em sẽ dễ được các bạn phát hiện kịp thời để chia sẻ, ngăn chặn…” - thầy Nguyễn Đình Hòa, Trường THPT Trần Phú tư vấn.