Nhạc sĩ Phú Quang “rời cõi tạm”: Xin cúi đầu trước vinh quang để đời

Ngọc Trang | 20/12/2021, 21:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72 sau thời gian điều trị bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị. Người yêu nhạc cả nước bàng hoàng, tiếc nuối khi phải chia tay vị nhạc sĩ tài hoa với trái tim dành trọn âm nhạc và đặc biệt là Hà Nội.

Hà Nội của Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Quang tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang, sinh năm 1949. Ông là con út trong gia đình sống lâu đời ở Hà Nội. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, gia đình ông tản cư lên Phú Thọ và ông được sinh ra ở đó.

Ngày Hà Nội được giải phóng, nhạc sĩ Phú Quang theo cha mẹ trở về Thủ đô và sống những năm tháng tuổi thơ ở phố Khâm Thiên. Năm 1985, nhạc sĩ Phú Quang rời Hà Nội chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, cho đến năm 2008, ông mới trở lại Hà Nội.

nhac-si-phu-quang-02.jpg
Cố nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Quang từng có những năm tháng xa quê, lang thang trên những đường phố khác nhưng tâm thức luôn hướng về mảnh đất thủ đô. Có lẽ vì thế mà những nốt nhạc của ông phần lớn dành trọn cho mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Dù đã có thời gian, nhạc sĩ Phú Quang tạm xa Hà Nội để vào Sài Gòn sinh sống nhưng cuối cùng, ông vẫn trở về. Có lẽ, dù có lưu lạc bao nhiêu năm, ông vẫn luôn mang Hà Nội trong lòng. Và từng tên con đường, góc phố, từng chiếc lá rụng bên hè hay những mùa đông lạnh bên những quán cà phê,…đã trở thành chất liệu trong mỗi ca từ, nốt nhạc.

Ở đó, Phú Quang đã thu nạp phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, heo may... làm nên trường hình ảnh về một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, nên thơ. Hà Nội của Phú Quang không lấm bụi khói xe hay phố phường bán buôn chật chội mà là một Hà Nội tĩnh lặng, không hiện thực mà lãng đãng, mơ hồ.

Nhạc sĩ từng nói: "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác".

Nhạc sĩ Phú Quang để lại gia tài đồ sộ là các ca khúc nổi tiếng làm lên tên tuổi của nhiều ca sĩ. Ông còn là tác giả của những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Mùa Thu và em, Biển, nỗi nhớ và em, Dương cầm lạnh, Lãng đãng chiều Đông Hà Nội, Heo may, Tình khúc 24, Gửi đôi mắt, bâng quơ, Đâu phải bởi mùa Thu...,

Ngoài ra, nhạc sĩ Phú Quang còn viết nhạc cho nhiều loại hình nghệ thuật khác. Từ những thể loại lớn như thính phòng, giao hưởng mà ở các thể loại như sân khấu, điện ảnh, múa, nhạc nền cho cải lương.

Ông cũng có 6 liveshow để đời là Mơ về nơi xa lắm (1998), Hà Nội và em khi thu chớm đông sang (2013), Phú Quang - Dương cầm lạnh (2014), Những nẻo đường anh đã đi qua (2015), Dương cầm lạnh & Phố cũ của tôi (2018), Mùa thu giấu em (2019).

Nhớ về “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”

nhac-si-phu-quang-01.jpg
Nhạc sĩ, TS Lê Thống Nhất chụp ảnh cùng cố nhạc sĩ Phú Quang năm 2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sỹ Phú Quang từng công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh… Năm 2004 ông thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang.

Khi nghe tin nhạc sĩ Phú Quang đã rời cõi tạm, thầy giáo, Tiến sĩ, nhạc sĩ Lê Thống Nhất đã thốt lên những vần thơ kính viếng người anh, người nhạc sĩ tài hoa. Mỗi câu thơ là một lần nhắc lại những bản tình ca bất hủ của cố nhạc sĩ.

“Em ơi! Hà Nội phố “ đây…

  Mà “Dương cầm lạnh” trong mây cuối trời

“Tình khúc hai tư” chơi vơi

  Kìa “Thương lắm tóc dài ơi!” đâu còn

“Nỗi nhớ mùa đông” héo hon

“Điều giản dị” chẳng vàng son vẫn chờ

“Mơ về nơi xa lắm” cơ

  Nhưng mà “Ngọn nến” bây giờ buồn sao

“Đâu phải bởi mùa thu” nào

  Vì đưa “Nỗi nhớ” đang vào mùa xuân

“Nỗi buồn” nặng những bước chân

“Rock buồn” tím ngắt thanh âm kéo dài

  Rồi ai cũng “Có một ngày”

“Một dại khờ một tôi” mai nhắc nhiều

“Biển nỗi nhớ và em” yêu

“Bâng quơ” ghi mãi bao chiều nhớ nhau

“Lang thang” trong hạt mưa mau

“Trong ánh chớp số phận” sau nỗi niềm

“Im lặng trong Hà Nội” em

“Tình yêu của biển” lay rèm bao cơn

“Gió và hoa hồng” tủi hờn

“Sinh nhật đen” ứng ngọn nguồn giờ đi

“Khúc mưa” lặng lẽ thầm thì

“Khúc ca Mẹ” bỗng lâm li điệu buồn

“Niềm tin” ở với tâm hồn

“Ngày mai” phím lặng hoàng hôn não nề

  Ôi! “Hà Nội ngày trở về”

“Khúc mùa thu” vọng bốn bề chiều đông

“Về lại phố xưa” thật không?

  Trách “Mùa thu giấu em” nồng giấc xưa

“Cho một người tình xa” đưa

    Giật mình “Ngoảnh lại” vẫn chưa nhạt tình

“Chuyện kể về tình yêu” mình

“Thương một người” với hành trình nào nguôi

“Mới thôi… mà đã một đời”

“Giọt thu buồn” để gió trôi lá vàng

“Nói với anh” trắng màu tang

  Xin cúi đầu trước vinh quang để đời!

Nhạc sĩ Lê Thống Nhất chia sẻ: “Phú Quang là một nhạc sĩ tài hoa và chắp cánh cho rất nhiều bài thơ. Nhạc của anh không chỉ hay về giai điệu mà rất hay về ca từ. Những ca từ trong ca khúc không phải là nguyên văn từ bài thơ mà anh rất công phu chỉnh sửa để hợp lý hơn, thăng hoa hơn. Quả thực, anh đã lao động nghệ thuật bằng đam mê và để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, nhất là những ca khúc về Hà Nội”

Nhạc sĩ Phú Quang đã đi xa, trong lòng những người ở lại khôn nguôi niềm thương nhớ tưởng như ông trở về Hà Nội vừa mới đây thôi mà đã lại vội ra đi. Nhưng có lẽ rằng khi bất chợt nghe những tình khúc Hà Nội của Phú Quang, người ta sẽ vẫn cảm thấy như “người nghệ sĩ vẫn lang thang hoài trên phố…”.

Nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Đồng thời, ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội vào năm 2020, trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn.

Bài liên quan
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào sáng 8/12. Ông ra đi sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Phú Quang “rời cõi tạm”: Xin cúi đầu trước vinh quang để đời