Giáo dục liêm chính

Nhận diện 3 hình thức lừa đảo trực tuyến nổi cộm tuần qua

30/09/2024 13:03

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại các hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần từ ngày 23 - 30/9 để người dân chủ động phòng tránh.

Mạo danh Sở Y tế TPHCM

Thông tin từ Công an TPHCM, trong hai ngày 25 và 26/9, một số đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ cao để liên hệ với chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, yêu cầu kết bạn qua mạng xã hội Zalo nhằm thông báo về đợt kiểm tra từ Sở Y tế liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau khi kết bạn Zalo, các đối tượng này gửi tài liệu mạo danh bao gồm các quyết định và thông báo thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các mẫu văn bản có hình thức tương tự tài liệu cơ quan Nhà nước.

5-01.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Tuy nhiên, nếu kiểm tra kỹ văn bản dễ dàng bị phát hiện giả mạo, do chứa nhiều lỗi chính tả và sai sót chức danh người ký ban hành.

Với hình thức trên, đối tượng thường giả danh cán bộ Nhà nước gọi điện thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến một vụ vi phạm pháp luật hoặc cần thanh tra, kiểm tra. Đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ hoặc số tài khoản ngân hàng để phục vụ cho quá trình “điều tra”. Từ đó, chiếm đoạt tài sản và thông tin của người dân.

Cục An toàn thông tin khẳng định, các cơ quan Nhà nước thường không yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại. Người dân cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Nhà nước để xác minh thông tin nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tính hợp pháp của các yêu cầu. Tuyệt đối không truy cập vào các trang web với đường dẫn lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác thực tính chính thống của trang web.

Lừa đảo tặng quà 20/10

4-01.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Mới đây, bà C. (SN 1964, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) thấy trên mạng xã hội quảng cáo nội dung "YODY Thời Trang Mọi Nhà" tặng quà 20/10 cho khách hàng.

Do nhẹ dạ, cả tin, bà C. đã chuyển cho đối tượng khoảng 50 triệu đồng để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để nhận được phần quà lớn hơn.

Chiều 24/9, bà C. đến ngân hàng VPbank (251 Thụy Khuê) để chuyển thêm 40 triệu đồng. Sau khi được cán bộ Công an phường và nhân viên ngân hàng thuyết phục, phân tích về thủ đoạn lừa đảo, bà C. đã dừng chuyển tiền cho các đối tượng.

Thủ đoạn chung của các đối tượng này là thông báo cho nạn nhân qua tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi đã trúng thưởng giải thưởng lớn dù không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Đối tượng sẽ lợi dụng tên tuổi của các tổ chức, công ty lớn để tạo lòng tin và yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như số CCCD, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu.

Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nên cảnh giác trước những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh thông tin. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào.

Mạo danh khách sạn để lừa đảo

3-01.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Mới đây, nhiều khách sạn ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lên tiếng tố cáo việc bị mạo danh trên Facebook nhằm lừa tiền đặt cọc của du khách.

Trong tháng 8, Sở Du lịch Khánh Hòa nhận được phản ánh tài khoản mạng xã hội tên “Thảo Cherry” thường xuyên đăng bài viết liên quan đến khách sạn, nghỉ dưỡng, khi có người hỏi thì tư vấn nhiệt tình.

Sau khi nhận tiền, đối tượng này chặn cuộc gọi, tin nhắn của du khách.

Nhiều trường hợp phản ánh với cơ quan chức năng địa phương bị lừa đến hàng chục triệu đồng vì tin tưởng “Thảo Cherry”.

Đối với hình thức lừa đảo trên, đối tượng tạo ra các website hoặc trang mạng xã hội giả mạo có giao diện giống hệt với các khách sạn nổi tiếng. Những trang này thường cung cấp các ưu đãi hấp dẫn như phòng nghỉ giá rẻ, voucher giảm giá cao. Khi nạn nhân đặt phòng hoặc mua voucher, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhưng thực chất là vào tài khoản của chúng.

Trước tình hình đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáocác cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Khách sạn uy tín thường không yêu cầu thanh toán toàn bộ hoặc thông tin thẻ tín dụng qua các kênh không chính thức như email hoặc điện thoại mà không có xác minh.

Người dân cần kiểm tra kỹ đường link của website để đảm bảo đó là trang web chính thức. Chỉ đặt phòng thông qua các kênh uy tín hoặc từ trang web chính thức của khách sạn. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.

Bài liên quan
Một cán bộ ngân hàng ở Phú Quốc bị tạm giữ vì lừa đảo hơn 10 tỷ đồng
Bằng thủ đoạn nhờ người giả có nhu cầu vay đáo hạn ngân hàng, Lê Văn Đức (36 tuổi) đã lừa đảo, chiếm trên 10 tỷ đồng của nhiều bị hại ở TP Phú Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện 3 hình thức lừa đảo trực tuyến nổi cộm tuần qua