Nhân lực nông nghiệp chất lượng cao: Doanh nghiệp 'săn đón', người học thờ ơ

Anh Tú | 09/06/2022, 10:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhân lực nông nghiệp chất lượng cao đang được nhiều doanh nghiệp săn tìm. Sinh viên khối ngành nông nghiệp của nhiều trường đại học được “săn đón” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sinh viên ngành nông nghiệp chất lượng cao Trường ĐH Văn Lang trong một giờ tham quan.Sinh viên ngành nông nghiệp chất lượng cao Trường ĐH Văn Lang trong một giờ tham quan.

Sức hút lớn

Trong bối cảnh Việt Nam cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại được xem là yêu cầu vô cùng cấp thiết, giúp nông dân chuyển sang hình thức tổ chức sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.

Để thúc đẩy việc định hình và có nguồn nhân lực chất lượng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VII (khóa X) đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đào tạo nghề nông thôn đạt trên 50%. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, con số này mới đạt 44,5% (tính tất cả loại hình đào tạo). Trong đó, nếu tính riêng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết: Xu hướng đẩy mạnh nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng thành tựu khoa học vào nông nghiệp tại đô thị ngày một nhiều, sức hút nhân lực của khối ngành trên tăng lên rất lớn. Sinh viên của trường hầu như có nơi làm việc ngay từ năm 3 với mức thu nhập khá.

Minh chứng cho điều này, ông Lê Hoài Chương - Giám đốc phụ trách Tuyển dụng và truyền thông, Công ty CP Việt Nam - cho hay, nhu cầu nhân lực khối ngành nông nghiệp chất lượng cao hiện rất lớn. Đơn cử như khối ngành Nông học hay Chế biến lâm sản của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, sinh viên hầu như đều nhanh chóng tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương rất tốt.

“Đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân lực hàng năm ở nhóm ngành nông nghiệp công nghệ cao khá lớn. Do đó, bên cạnh chính sách đặt hàng đào tạo từ các trường đại học, doanh nghiệp cũng phải tự đào tạo để kịp bổ sung nguồn nhân lực. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các ứng dụng hiện đại trong nông nghiệp đô thị (hay còn gọi là nông nghiệp công nghệ cao) việc làm nông không còn quá vất vả như ngày xưa. Tuy vậy, chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo của các trường lại khá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường lao động. Thực tế này ít nhiều tạo ra lực cản cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao dù sức hút nhóm ngành này đang ngày một lớn”, ông Chương nói.

Là tập đoàn lớn với thế mạnh kinh tế chủ lực hiện nay là nông nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng thừa nhận nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải giải quyết.

“Hàng năm, Tập đoàn HAGL tuyển dụng hàng trăm sinh viên chuyên ngành nông nghiệp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu ngày càng phát triển của doanh nghiệp. Hiện, HAGL có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 kỹ sư chuyên ngành thú y và hàng trăm kỹ sư nông nghiệp khác. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó vì nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế. Để giải quyết bài toán trên, tập đoàn đã ký kết hợp tác với các trường đại học chuyên về đào tạo kỹ sư nông nghiệp để tìm kiếm nguồn tuyển cũng như định hình tốt hơn cho xu hướng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Đức nói.

Sinh viên ngành nông nghiệp chất lượng cao Trường ĐH Văn Lang trong một giờ nghiên cứu.

Xu hướng phải thích ứng với bối cảnh mới

Nhìn nhận những khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM - cho hay: TP đang tập trung tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, lao động phổ thông thì thừa nhưng lao động chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật nắm bắt được công nghệ lại khan hiếm. Việc thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao là điều được các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đặc biệt quan tâm.

“Trước mắt, ngành nông nghiệp TPHCM chú trọng phát triển sản xuất giống cây con chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị và năng suất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2021, ngành nông nghiệp thành phố đạt tăng trưởng 2 - 2,5%; giá trị sản xuất bình quân đạt 630 - 650 triệu đồng/ha; có chứng nhận VietGAP cho 76% diện tích trồng rau; 72% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả... Kinh tế nông nghiệp TP dần chuyển dịch sang nông nghiệp đô thị, công nghệ cao với nguồn lực qua đào tạo cũng tăng dần đều qua từng năm”, ông Hiệp chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhân lực nông nghiệp chất lượng cao ở nước ta những năm gần đây đã có bước phát triển nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn tăng từ 8,5% năm 2010 lên 16,3% năm 2020. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng từ 30,8 triệu/lao động năm 2015 lên 52,7 triệu/lao động năm 2020.

Thế nhưng, hiện số lượng các trường có đào tạo nhân lực chất lượng cao khối ngành nông nghiệp trên cả nước không nhiều. Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, ĐH Văn Lang đều đào tạo các ngành như: Nông học, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, nông nghiệp công nghệ cao… Tuy vậy, số lượng chỉ tiêu cho nhóm ngành trên tại các trường không nhiều, dao động từ 50 - 120 chỉ tiêu/ngành, điều đó phần nào phản ánh rõ thực tế khan hiếm nhân lực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. Bên cạnh đó, thí sinh có xu hướng né ngành nông nghiệp vì sợ khó, sợ khổ.

Nhân lực nông nghiệp chất lượng cao thì thiếu, doanh nghiệp lại săn đón, nhưng người học chưa sẵn sàng thay đổi tư duy và suy nghĩ về nhóm ngành này. Đây chính là trở ngại lớn mà theo TS Nguyễn Duy Tân - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH An Giang, các trường đại học, doanh nghiệp cần sớm tháo gỡ từ chính sách thu hút, cơ chế đặc thù trong đào tạo cho đến sức hút từ thu nhập ngành nghề.

Nhìn nhận những thách thức về nhân lực trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao, TS Mai Hải Châu - Phó Giám đốc Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại Đồng Nai - cho rằng: Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, nhất là các vùng nông nghiệp còn diện tích nuôi, trồng ít (đô thị), nông nghiệp Việt Nam cần chuyển từ nền nông nghiệp “sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.

“Để định hình được nền nông nghiệp hiện đại tất nhiên phải có đội ngũ lao động chất lượng, thành thạo và biết ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của khoa học công nghệ vào sản xuất. Muốn làm được điều đó các nhà trường, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp cần nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, tập trung vào sản phẩm chủ lực để sản xuất nhằm gia tăng năng suất”. - TS Mai Hải Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân lực nông nghiệp chất lượng cao: Doanh nghiệp 'săn đón', người học thờ ơ