Nhận thức đã thông, người dân đồng lòng hỗ trợ giáo dục vùng khó

Ánh Hà | 15/08/2022, 06:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cùng với việc kêu gọi xã hội hóa nguồn lực để kiên cố hóa trường lớp ở những điểm trường lẻ, thầy, cô giáo vùng núi cao đã thầm lặng làm công việc đòi hỏi nhiều sự kiên trì: Xã hội hóa nhận thức cho chính phụ huynh. Xin tiền xây trường đã khó, nhưng khó hơn cả là có được sự đồng tâm, đồng lòng của bà con trong quá trình xây trường.

Cùng với vận động kinh phí để kiên cố hóa trường lớp ở các điểm trường lẻ vùng khó, CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My luôn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm đồ chơi ngoài trời, đồ dùng trong lớp học, bàn ghế. Mỗi dịp khánh thành bàn giao điểm trường, bà con trong vùng đều được tặng nhu yếu phẩm, đôi khi còn được hỗ trợ thêm tiền mặt.

Để huy động vài trăm người dân, từ học sinh đến thanh niên, phụ nữ… tham gia, thầy Vỹ cho biết, công tác dân vận rất quan trọng khi bắt đầu kêu gọi kinh phí tài trợ xây dựng trường.

“Thường thì việc xây dựng trường chủ yếu thực hiện vào mùa hè. Nhưng đây lại là thời điểm giáp hạt của đồng bào, lại vào vụ trỉa lúa rồi làm cỏ. Bà con đi làm nương thường phải 3 – 4 nhà đổi công cho nhau. Vì vậy, vận động bà con tham gia vận chuyển vật liệu cũng phải tính đến điều này” – thầy Vỹ kể và tâm sự: Một vài người thì dễ đồng lòng nhưng vài trăm người cùng tham gia vận chuyển, mang vác vật liệu, rồi làm trong thời gian dài, ít nhất là một tháng thì không tránh khỏi có vài thành viên nản lòng hoặc bàn ra. Những điều đấy, thầy Vỹ và các thành viên trong CLB đều phải tính đến khi thuyết phục bà con tham gia đóng góp ngày công xây trường.

Có ý kiến thắc mắc sao khi xin kinh phí xây dựng trường, không xin nhiều thêm để tính cả tiền nhân công vận chuyển. Thế nhưng, quan điểm của CLB Kết nối yêu thương lại khác. “Khi cùng đóng góp công sức, người dân sẽ thấy quý, thấy mình có một phần trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc công trình lớp học. Từ đó, họ sẽ góp phần bảo vệ, gìn giữ để công trình được bền đẹp, sạch sẽ. Giáo viên về nghỉ Tết, nghỉ hè cũng không phải bận tâm chuyện bảo vệ trường lớp vì đã có phụ huynh để mắt đến”, thầy Vỹ nhấn mạnh.

Trong chi phí xây dựng trường, vì vậy sẽ phải tính đến cả khoản cơm nước trong những ngày bà con tham gia góp công. Rồi quà tặng cho bà con khi khánh thành trường mới. “Những khoản này, CLB có thể vận động từ các nguồn khác hoặc có thể do chính các nhà tài trợ xây dựng trường bao thầu luôn. Nhưng ý nghĩa xã hội hóa giáo dục sẽ khác đi nhiều”, thầy Nguyễn Trần Vỹ khẳng định.

Nhận thức đã thông, người dân đồng lòng hỗ trợ giáo dục vùng khó ảnh 3

Điểm trường Tắc Lẻ (Trà Leng) được lắp ghép từ tôn đã xuống cấp.

Tiếp sức cho thầy trò vùng khó

Ông Nguyễn Văn Nhị - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My - chia sẻ: “Ngành GD-ĐT Nam Trà My nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các CLB đội nhóm thiện nguyện trong xây dựng trường lớp ở các điểm lẻ, nhất là những điểm trường chưa có đường lớn đi vào; cải thiện bữa ăn cho học sinh giúp nâng cao thể trạng, giúp đỡ sinh kế cho bà con. Những điều này tạo ra sự đồng lợi rất lớn với người dân. Bà con tin tưởng, phấn khởi khi cho con em đến trường, thầy, cô giáo vì vậy không phải mất quá nhiều công sức và thời gian để vận động học sinh ra lớp”.

Điểm trường thôn Tắc Lẻ được xem là nơi khó khăn nhất của xã Trà Leng. Điểm trường có 20 trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi và một cô giáo. “Năm nào phân công giáo viên đứng lớp ở điểm trường này, nhà trường cũng phải làm công tác tư tưởng, động viên các cô. Phòng học vừa chật chội, nóng nực vào mùa hè, lạnh thấu xương vào mùa đông. Chỗ ở của cô giáo cũng chỉ là căn phòng nhỏ được dựng tạm bằng tôn. Nhiều đội nhóm thiện nguyện đã khảo sát để hỗ trợ xóa phòng học tạm ở Tắc Lẻ nhưng không thể triển khai được do đường đi vào rất khó, chỉ có thể đi bộ”, cô Trần Thị Hoàng Oanh – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Leng kể.

Do vậy, khi biết thông tin các nhóm thiện nguyện chung tay xây dựng trường học, nhà trường, thầy cô và cả học trò đều vui, hồ hởi tham gia. Các cô giáo Trường Mẫu giáo Trà Leng cũng ở lại trường, cùng bà con Tắc Lẻ vận chuyển vật liệu. “Có những em mới 5 tuổi cũng đi bộ hàng tiếng đồng hồ ra điểm tập kết vật liệu để cùng tham gia với ông bà, bố mẹ. Nhìn em gùi 3 viên gạch, các cô không cầm được nước mắt. Sự đồng lòng, vượt khó của bà con dân bản đã góp phần giúp ngôi trường dần dần thành hình. Chúng tôi biết rằng, điểm trường Tắc Lẻ được dựng lên từ rất nhiều ân tình muôn nơi và công sức của bà con” – cô Oanh chia sẻ.

Ông Lê Văn Tám - già làng Tắc Lẻ - cho biết: “Nghe cán bộ nói sẽ xây dựng trường to đẹp, mát hơn, sạch sẽ hơn, tôi mừng lắm chứ. Thầy cô đã cất công xin tiền để xây trường cho con em mình học, vui chơi, bà con ở đây thông thuộc đường đi, tham gia đóng góp được gì thì cùng làm. Nhà nào cũng có người tham gia cõng vật liệu vì ai rồi cũng có con cháu đi học. Nhìn trường bây giờ rồi nhìn lại trường cũ, mừng lắm, vui lắm”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhan-thuc-da-thong-nguoi-dan-dong-long-ho-tro-giao-duc-vung-kho-post603959.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhan-thuc-da-thong-nguoi-dan-dong-long-ho-tro-giao-duc-vung-kho-post603959.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận thức đã thông, người dân đồng lòng hỗ trợ giáo dục vùng khó