Bởi vậy, thời điểm này, biên soạn thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT là việc rất cần phải cân nhắc thấu đáo, thậm chí không cần thiết. Đây cũng là ý kiến của nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội và Bộ GD&ĐT.
Rất nhiều lý do được chỉ ra: Đã có đầy đủ các bộ SGK bảo đảm chất lượng để triển khai dạy học; các nhà xuất bản chủ động hợp tác, hợp đồng với tác giả có kinh nghiệm, nhiệt huyết nên Bộ GD&ĐT sẽ khó khăn trong huy động đội ngũ viết sách chất lượng; tốn kém kinh phí; ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, phát hành SGK, dễ quay trở lại tình trạng độc quyền...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ, việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, việc có một bộ sách của Bộ GD&ĐT vào lúc này có thể sẽ là cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn, tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới.
Báo cáo giám sát thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận định, triển khai đổi mới chương trình, SGK đã tạo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Như vậy, nói như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm là đúng, đúng về cái lớn, cái căn bản”.
Liên quan đến SGK, có lẽ việc cần dành tâm sức là làm sao để các bộ SGK được phê duyệt ngày càng nâng cao về chất lượng. Đặc biệt, làm sao để đội ngũ giáo viên thấu hiểu sự thay đổi về bản chất của SGK: Chương trình là thống nhất, pháp lệnh; SGK chỉ là học liệu, công cụ, hỗ trợ giáo viên chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học. Nhận thức đúng và kiên trì với mục tiêu đổi mới, chúng ta sẽ dần khắc phục khó khăn ban đầu để cải thiện và ngày càng tốt hơn.