Mặc dù có khó khăn, nhưng nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết đưa nội dung giáo dục địa phương thành bắt buộc nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Những vướng mắc ban đầu khó tránh khỏi, nhưng dần dần sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, sự quan tâm, nhận thức đúng vai trò của nội dung này vô cùng quan trọng để triển khai dạy học hiệu quả. Một số giải pháp có thể tính đến như mỗi địa phương nhanh chóng có đánh giá thực trạng triển khai trong thời gian qua, từ đó nhận rõ ưu, khuyết điểm để kịp thời có giải pháp. Quan tâm các điều kiện bảo đảm, đặc biệt về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu dạy học.
Điều kiện con người cũng cần sớm bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ dạy học giáo dục địa phương. Về tài liệu, địa phương trước mắt tiếp tục sử dụng ngân sách Nhà nước để in ấn trang bị vào thư viện của trường để dùng chung, tổ chức cho học sinh mượn và trả lại khi kết thúc năm học...
Đồng thời, phối kết hợp với các bộ, ban, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản phục vụ cho công tác tổ chức biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành tài liệu nội dung giáo dục địa phương phù hợp với thực tiễn, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ có cơ chế đặc thù trong việc liên quan đến vấn đề bản quyền, in ấn, giá theo Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản và Luật Giá đối với tài liệu Nội dung giáo dục địa phương.