Cần định danh rõ vị trí việc làm với đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng để các cô yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề...
Trong trường mầm non, việc chăm sóc và giáo dục trẻ có vai trò quan trọng như nhau. Vì vậy, cần định danh rõ vị trí việc làm với đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng để các cô yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề.
Cô Thân Thị Phương Chi, sinh năm 1982 - nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) vào nghề từ năm 2012 theo hợp đồng lao động được ký theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP, tới năm 2014 mới chuyển sang hợp đồng dài hạn của huyện. Đến nay, khi mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, với hệ số lương 2,86 thì thu nhập của cô Chi, sau khi trừ bảo hiểm, chưa đầy 6 triệu đồng/tháng.
Trước đây, Mầm non Cổ Đô có nhiều điểm lẻ nên các cô nuôi rất vất vả trong khâu chế biến và chia thức ăn đến từng điểm. Ba năm trở lại đây, các điểm lẻ dược dồn về điểm trường trung tâm, các cô không mất công di chuyển quá xa. Tuy nhiên, tính chất công việc của nhân viên nuôi dưỡng không thay đổi. Ngày nào cũng vậy, nhân viên bếp phải đi làm từ sáng sớm đến khi trẻ tan học mới được về, sau khi hoàn thành hết phần việc tại khu bếp ăn của trường.
“Thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống, tôi phải tranh thủ những ngày cuối tuần đi nấu cỗ thuê cho các nhà hàng từ 4 giờ sáng đến 19 giờ tối. Vào mùa cưới hoặc dịp lễ Tết, hễ ai có nhu cầu thuê làm gì như dọn dẹp nhà cửa là tôi chẳng ngại khó, ngại khổ. Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm để nhân viên nuôi dưỡng có được vị trí việc làm xứng đáng với tính chất công việc; đồng thời có thêm phụ cấp độc hại cho chị em yên tâm bám nghề”, cô Chi bày tỏ.
Làm nhân viên nuôi dưỡng ở Trường Mầm non xã Chiêu Vũ (Bắc Sơn, Lạng Sơn) từ năm 2011, cô Hoàng Thị Nguyệt cho biết, mức lương khởi điểm khi mới vào nghề là 1,08 triệu đồng/tháng. Đến nay sau khi chuyển sang hợp đồng lao động được được ký theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP, thu nhập mỗi tháng của cô chỉ ở mức 6,4 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm). Ngoài lương chính, các cô chưa được bất cứ phụ cấp gì. Tiếp xúc với môi trường nóng bức, cô Nguyệt mong Nhà nước sớm bổ sung phụ cấp độc hại cho đội ngũ.
Theo bà Nguyễn Thị Đàm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đội Bình (Ứng Hòa, Hà Nội), nhân viên nuôi dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục, chuẩn bị môi trường học tập và chăm sóc nhu cầu cá nhân của trẻ, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục. Tùy vào điều kiện từng nơi, các trường có hỗ trợ ngoài lương để đội ngũ này thêm yên tâm bám trụ với nghề.
Còn bà Đinh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, định mức vị trí việc làm cho nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non thực hiện theo đề án vị trí việc làm mà các trường đã xây dựng và được cấp trên phê duyệt. Đề án này được hiệu trưởng các trường xây dựng dựa trên căn cứ đặc điểm cụ thể để đề xuất nhưng không quá tối đa số lượng cấp trên cho phép. Ví dụ, trường có 1 điểm hay 2 điểm; cơ sở vật chất ra sao, có bố trí kiêm nhiệm không?
11 năm làm nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Đồng Thái (An Dương, Hải Phòng), cô Đào Thị Hậu có tổng thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Theo cô Hậu, mức thu nhập này tuy hạn chế những là mong mỏi của nhiều cô nuôi các trường mầm non. Những năm đầu mới vào làm, thu nhập ở vị trí này chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Đồng lương không cao nhưng công việc của các cô nuôi khá vất vả, sáng có mặt từ 6 giờ 30 phút để giao nhận, sơ chế, sắp xếp, chế biến thực phẩm. Sau khi chia ăn cho trẻ, các cô lại quay về bếp rửa bát, vệ sinh khu vực nấu ăn. Thời gian ăn trưa và nghỉ giải lao khoảng 1 giờ, sau đó cô nuôi lại bắt tay sơ chế đồ ăn chiều cho trẻ.
Yêu cầu dinh dưỡng trong trường mầm non rất khắt khe, thực đơn thay đổi theo tuần và mùa vì vậy các cô nuôi luôn nỗ lực để chế biến đa dạng món ăn đem lại cảm giác ngon miệng cho trẻ.
Nhớ lại những ngày đầu mới vào làm việc tại Trường Mầm non An Dương (quận An Dương), cô Phạm Thị Lệ cho biết, năm 2013, lương khởi điểm với hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng là 1,914 triệu đồng và cứ 3 tháng lương thì cô phải dành 1 tháng để đóng bảo hiểm. Nhiều đồng nghiệp của cô không trụ nổi với nghề nên đã bỏ việc.
Cô Lệ cho hay, nghề vất vả, cường độ lao động cao nhưng thu nhập thấp vì vậy không mấy người mặn mà. Bản thân cô do nhà gần trường và vướng bận con cái vì thế cố gắng gắn bó với nghề. Khoảng 3 năm gần đây, thành phố quan tâm đến chính sách hỗ trợ kinh phí cho nhân viên nuôi dưỡng và HĐND thành phố ban hành nghị quyết về mức thu hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố thì thu nhập của cô nuôi phần nào được cải thiện.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 307 trường mầm non, trong đó có 221 trường công lập và 86 trường dân lập, tư thục; có 291 cơ sở độc lập tư thục. Tổng nhân viên nuôi dưỡng là 2.343 người, trong đó số nhân viên làm trong trường công lập là 1.792 và 551 nhân viên làm việc tại các cơ sở tư thục.
Đến nay, HĐND thành phố có 2 Nghị quyết quy định về chế độ chính sách đối với nhân viên nuôi dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập Hải Phòng.
Cụ thể, Nghị quyết 11 ngày 12/7/2018 của HĐND; Kế hoạch 213/KH-UBND ngày 24/9/2018 của UBND thành phố về chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng ở vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Theo đó, nhân viên hợp đồng ở vị trí nấu ăn được hưởng chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo hệ số 1,86/người/tháng theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định; được hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn. Phần còn lại đảm bảo từ các nguồn thu hợp pháp khác của trường mầm non công lập để chi trả theo mức lương tối thiểu vùng cho nhân viên nấu ăn trong 12 tháng/năm.
Nghị quyết 08 ngày 08/12/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị quyết 02 ngày 20/7/2022 của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo đó, nhà trường thỏa thuận với phụ huynh hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ nấu ăn; phục vụ chăm ăn, trông trưa, quản lý và vệ sinh bán trú 150 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Như vậy, một nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non công lập Hải Phòng thu nhập bình quân khoảng từ 5,5 - 8,7 triệu đồng. Hiện nay chính sách đối với nhân viên nuôi dưỡng tại Hải Phòng được đánh giá tương đối tốt.
Trường Mầm non Đông Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng) có 265 trẻ. Để đảm bảo công tác nuôi dưỡng, nhà trường có 5 cô nuôi. Cô nuôi Trương Thị Ngọc Ánh cho hay, với trường mầm non, công tác giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng rất quan trọng. Nhưng hiện nay cô nuôi không được biên chế vì thế bị thiệt thòi nhiều quyền lợi. Với giáo viên đứng lớp được biên chế thì 3 tháng hè đều hưởng chế độ, do chưa có vị trí việc làm nên nhân viên nuôi dưỡng không có lương. Bên cạnh đó, các cô phải bỏ tiền ra đóng bảo hiểm, rất khó khăn.
Tại Trường Mầm non Đông Phương, thu nhập cao nhất của nhân viên nuôi dưỡng trong trường là 8 triệu đồng/tháng. Dịp hè, ít trẻ đăng ký học, để đảm bảo thu nhập cho giáo viên, nhân viên, theo bà Đỗ Thị Tân - Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường phân công luân phiên để các cô có thêm thu nhập.
Đóng chân tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), nhân viên nuôi dưỡng của Trường Mầm non Đại Đồng thu nhập theo 2 nguồn: Ngân sách hỗ trợ và thu từ phụ huynh. Nhà trường có 361 trẻ, mỗi tháng thu tiền hỗ trợ 126 nghìn đồng/trẻ. Nhà trường đảm bảo mức thu nhập của cô nuôi từ 7,8 - 8 triệu đồng/tháng.
“Nhân viên nuôi dưỡng không có vị trí việc làm, không hưởng lương và tăng lương theo quy định, vì thế rất thiệt thòi. Nhiều cô không bám trụ được và phải bỏ nghề. Nhà trường mong muốn các cấp thẩm quyền xem xét để nhân viên nuôi dưỡng trong trường mầm non được xếp vị trí việc làm, bởi trong trường mầm non việc chăm sóc, giáo dục quan trọng như nhau”, Hiệu trưởng Vũ Thị Liên cho hay.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, vai trò của lực lượng này ở mỗi trường mầm non không hề nhỏ khi phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu để tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non cải thiện thu nhập, từ đó có thêm động lực yên tâm công tác.