Theo ông Thư, nhân viên y tế trường học có vai trò quan trọng trong củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học; bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh. Vì vậy, thiếu nhân viên y tế học đường ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu giảng dạy, theo dõi và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng, hợp đồng nhân viên y tế học đường gặp khó khăn bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng không cao nên khó thu hút nhân lực. Nay nếu vị trí việc làm này thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ thì việc tuyển dụng, hợp đồng càng khó chồng khó cho địa bàn vùng sâu, xa.
“Chúng tôi mong được bổ sung biên chế, có chính sách thu hút để tuyển dụng được nhân viên y tế trường học cho cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trước mắt, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang vị trí việc làm chuyên môn để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng”, ông Thư đề xuất.
Cô Lộc Thị Lưu phải hoàn thiện khoảng 3 - 5 đầu sổ ghi chép các thông số và công việc hàng ngày. Ảnh: NVCC |
Theo ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục được phân thành 4 nhóm gồm nhóm lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ. Trước đây, vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường thuộc nhân viên trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ và Thông tư số 20/2023 của Bộ GD&ĐT thì vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường chuyển vào nhóm 4 (nhóm hỗ trợ, phục vụ) thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.
“Trước mắt, đối với nhân viên y tế học đường đã thuộc diện biên chế vẫn hoạt động bình thường, được nâng lương, thụ hưởng chính sách như cũ và đảm bảo quyền lợi của người lao động”, ông Đào Đức Tuấn thông tin và cho biết, tạm thời Sở GD&ĐT Bình Định không đề xuất tuyển dụng, hợp đồng nhân viên y tế học đường. Vấn đề cần quan tâm là chế độ, chính sách cho đội ngũ hiện có, làm sao để họ yên tâm công tác, “sống được bằng nghề” và đảm bảo cuộc sống.
Liên quan đến vị trí việc làm y tế trường học, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngày 10/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/NĐ-CP về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 106).
Theo quy định tại Nghị định này, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (Điểm a, Khoản 1, Điều 12); Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 1, Điều 15).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 30/12/2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/TT-BNV (Thông tư số 12); trong đó vị trí “y tế học đường” được xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ (Phụ lục V Thông tư số 12 nêu trên).
Tháng 10/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT – gọi tắt là Thông tư số 19 - 20).
Việc ban hành Thông tư số 19 - 20 đã tuân thủ theo Nghị định 106 của Chính phủ và Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ và được Bộ Nội vụ cho ý kiến thống nhất theo quy định. Thông tư số 19 - 20 có quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học được tuyển dụng trước ngày 15/2/2023.
Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới, sau ngày 15/2/2023 (thời điểm Thông tư số 12 có hiệu lực) phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác y tế học đường và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế học đường, ông Vũ Minh Đức cho hay, ngoài việc đề nghị các địa phương quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ này, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng; từ đó bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ và học sinh trường học.
“Trong điều kiện thực hiện Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 85) về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025, vai trò của đội ngũ y tế học đường càng phải được quan tâm”, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.