“Hôm sau bé vẫn sốt nên tôi đưa đi khám, xét nghiệm ở BV gần nhà, bác sĩ chẩn đoán SXH. Lo bệnh dễ nặng hơn do bé đang điều trị viêm thận, gia đình xin chuyển lên TP. Hiện bé đang điều trị tại phòng cấp cứu khoa Nhiễm” - chị M nói.
Ca nặng tăng so với năm trước
Tại BV Nhi đồng TP, tháng 6-2023 tiếp nhận 325 lượt khám SXH và điều trị nội trú 105 trường hợp.
Ngày 10-7, khoa Nhiễm đang điều trị 10 ca, trong đó có ba ca nặng, một ca sốc SXH Dengue ngày thứ tư đang được truyền dịch. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị sáu ca nặng phải thở máy (đều từ tỉnh chuyển lên), một ca lọc máu. Sang ngày 11-7, số ca nặng phải truyền dịch ở khoa Nhiễm đã tăng lên bốn ca.
BS CKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cho biết số ca mắc SXH hiện không cao hơn năm trước nhưng số ca nặng nhiều, tăng nhanh trong hơn hai tuần nay.
“Ca lọc máu nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, thở máy. Bệnh diễn tiến nặng, suy thận nên được lọc máu. Bé nhập viện ngày thứ tư của bệnh, đã điều trị tại đây 13 ngày, dự kiến phải lọc máu 1-2 tuần nữa” - BS Thy cho biết thêm.
Tại BV Nhi đồng 1, khoa SXH - huyết học đang điều trị 15 ca, trong đó có một ca sốc SXH đang truyền dịch. Còn tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc đang điều trị hai ca nặng, đều nhập viện trong bệnh cảnh sốc SXH.
“Đã vào mùa mưa, SXH bắt đầu vào mùa nên số ca sẽ tiếp tục tăng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 đến tháng 8 sẽ lên đỉnh điểm” - BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, nhận định.
Cần chú ý các dấu hiệu ban đầu
Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH - huyết học BV Nhi đồng 1, 10% trường hợp đến khám SXH tại khoa trong tình trạng đã chuyển nặng.
“Có người do không nhận biết được dấu hiệu trẻ mắc SXH, nhầm với sốt bình thường. Cũng có người chủ quan, cho rằng trẻ bị SXH mau khỏi nên không đưa đi khám sớm… Nếu trẻ sốt từ hai ngày trở lên không hạ, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được đánh giá đúng tình trạng bệnh” - BS Tuấn khuyến cáo.
BS Lý Hoa Anh Minh, khoa Nhiễm BV Nhi đồng TP, nhận định ngoài các lý do trên còn một lý do nữa khiến trẻ trở nặng, đó là trẻ đã được chẩn đoán SXH nhưng điều trị không đúng phác đồ của Bộ Y tế.
“Một số trẻ mắc SXH được truyền dịch tại nhà trước khi đến BV điều trị. Trong khi theo phác đồ của Bộ Y tế, trẻ chỉ được truyền dịch tại BV khi có chỉ định” - BS Minh nhấn mạnh. Đồng thời cảnh báo trẻ bớt sốt nhưng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi, lừ đừ là biểu hiện cảnh báo SXH giai đoạn nguy hiểm, phải đưa trẻ đến BV khám ngay.
“Mọi người đang tập trung vào bệnh tay-chân-miệng, nhiều khi quên mất SXH. Nếu trẻ sốt cao không hạ từ hai ngày, nên đưa trẻ đến BV để được xét nghiệm và điều trị kịp thời” - BS Nguyễn Đình Qui, khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, khuyên.
Phát hiện sớm dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết SXH và tay-chân-miệng rất dễ bị nhầm lẫn với nhau vì đều khởi đầu có sốt. Tay-chân-miệng sốt 2-3 ngày rồi nổi ban, còn SXH sốt 4-5 ngày mới trở nặng. Khi trẻ sốt từ ngày thứ hai phải đưa trẻ đi khám, bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu. Nếu trẻ mắc SXH, phụ huynh phải nhớ những gì bác sĩ dặn, tái khám đúng hẹn. Dấu hiệu báo động trẻ bắt đầu trở nặng: Nằm hoài không chơi, bỏ ăn, lừ đừ, đau bụng, nôn ói, tiểu ít, tay chân lạnh. Lúc này phải đưa trẻ đến BV ngay, tránh nguy cơ sốc SXH. BS CKII LÊ VŨ PHƯỢNG THY, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng TP |