Hình ảnh siêu âm ruột thừa và thận của bệnh nhân trước và sau khi điều trị.
Khi thăm khám, người bệnh sốt 38 độ C, không khó thở, không phù; da, niêm mạc hồng; đau bụng quanh rốn và hố chậu phải, có phản ứng thành bụng; Tim nhịp đều, phổi không ran, bụng mềm. Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh viêm ruột thừa và hai thận có hình ảnh bệnh thận mạn tính…
Người bệnh được chẩn đoán: viêm ruột thừa cấp – TD đợt cấp bệnh thận mạn – Rối loạn điện giải. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa viêm, điều trị theo phác đồ bao gồm: truyền dịch, kháng sinh, điều chỉnh rối loạn nước điện giải, áp dụng chế độ ăn giảm đạm và bổ sung ketoamin kết hợp lọc máu cấp cứu. Rất may mắn, chức năng thận cải thiện tốt sau điều trị.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng người bệnh đã ổn định, vết mổ khô, không sốt, mức creatinin máu tương đương suy thận độ 2, được ra viện dùng thuốc theo đơn và tái khám định kỳ.
BS Ngô Thị Hương trực tiếp điều chị cho người bệnh chia sẻ: “Bệnh thận mạn được vô tình phát hiện khi người bệnh bị viêm ruột thừa”.
Quá trình điều trị tích cực đã giải quyết tốt bệnh chính, đồng thời với hồi phục chức năng thận. Bệnh thận mạn tiến triển thường âm thầm, nặng dần, nhiều bệnh nhân khi tiến triển đến giai đoạn cuối mới được phát hiện. Chi phí điều trị rất lớn, chất lượng cuộc sống không cao.
Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh thận để có kế hoạch điều trị kịp thời, đúng đắn là vấn đề hết sức quan trọng. Các triệu chứng bệnh thận thường nghèo nàn, dễ bị bỏ qua. để sớm phát hiện bệnh, người dân nên thực hiện khám định kỳ 6 tháng – 1 năm/ 1 lần. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến bệnh lý thận như: Đau vùng thắt lưng, đau trên xương mu hoặc bất thường về tiểu tiện…. cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi người dân hãy chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình bằng cách khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.