Các bể chứa nước phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân số 1 ở tỉnh Fukushima.
Nhật Bản sẽ bắt đầu xả nước phóng xạ có chứa tritium ra biển từ ngày 24/8, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, Thủ tướng Nhật bản KishidaFumio nói ngày 22/8, sau cuộc họp với các bộ trưởng và các bên liên quan, theo tờ Japan Times.
Thông báo chính thức được Thủ tướng Nhật Bản đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin vào ngày 21/8, rằng sớm nhất Nhật Bản có thể xả nước phóng xạ từ ngày 24/8.
Theo Japan Times, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng với hoạt động đánh bắt thủy sản, sự phản đối của người dân địa phương và sự chỉ trich từ các nước láng giềng, chính phủ Nhật Bản vẫn thực hiện kế hoạch xả nước phóng xạ. Nhật Bản khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết và lâu dài để hoàn thành việc xả nước một cách an toàn.
Quyết định được chính phủ Nhật Bản đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc. Một ngày trước, ông Kishida gặp người đứng đầu Liên đoàn các Hiệp hội Hợp tác Thủy sản Quốc gia tại văn phòng Thủ tướng. Ông Kishida mong muốn hiệp hội ủng hộ kế hoạch xả nước phóng xạ gây tranh cãi.
Trong cuộc họp ngày 21/8, Masanobu Sakamoto, chủ tịch hiệp hội, xác nhận sự phản đối với kế hoạch của chính phủ. Ông Sakamoto cũng cho biết, ngành đánh bắt thủy sản Nhật Bản đã nắm được kế hoạch của chính phủ.
Tâm điểm chú ý những ngày tới sẽ là ở quận Futaba, tỉnh Fukushima, nơi hơn 1,34 triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý sẽ dần được xả ra biển. Nhật Bản đã lọc hầu hết các đồng vị phóng xạ trong nước, chỉ còn lại tritium.
Hàm lượng tritium đã được pha loãng xuống còn 1/40 và đáp ứng tiêu chuẩn của Nhật Bản, được coi là đủ an toàn để xả ra biển.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo cho biết, nếu Nhật Bản đảm bảo quy trình an toàn, hàm lượng tritium xả ra biển không gây hại cho môi trường.
Tuy vậy, cộng đồng đánh bắt thủy sản địa phương ở Nhật vẫn tỏ ra lo ngại. Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý thành lập quỹ trị giá 30 tỷ yen (khoảng 205,8 triệu USD) để giải quyết mọi thiệt hại nếu có sau các đợt xả nước phóng xạ. Theo yêu cầu cấp thiết từ ngành đánh bắt cá, chính phủ Nhật Bản cũng sẽ bổ sung thêm 50 tỷ yen để hỗ trợ ngành này.
Trung Quốc là quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất với kế hoạch xả nước phóng xạ của Nhật Bản cho đến nay. Trung Quốc cho rằng, không có gì đảm bảo rằng không có sai sót xảy ra trong 30 năm Nhật Bản dự định xả nước phóng xạ.