CSGT đang làm việc với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trước đó 6 phút, vào lúc 22h41 phút, nghi vấn một người phụ nữ chạy xe máy mang BKS 79C1-517.xx đã dùng rượu bia, CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và đề nghị đo nồng độ cồn. Sau nhiều lần ngậm ống, người này mới thổi theo đúng hướng dẫn của lực lượng chức năng. Máy đo hiện lên con số 0,467mg/l, tức nồng độ cồn đã vượt mức kịch khung.
Làm việc với CSGT, người phụ nữ khai tên L.T.M.B (38 tuổi; ngụ phường Cát Lái, TP. Thủ Đức). Chị B. cũng trình bày thêm, do vừa nhận lương nên chị cùng các đồng nghiệp có một bữa tiệc và đã uống 2 lon bia. Vì nhà gần nên chị cố gắng lái xe máy về theo đường Lương Định Của, vừa tới giao lộ với đường Mai Chí Thọ thì bị CSGT xử lý.
Khi được hỏi suy nghĩ về việc sẽ bị xử phạt nặng, chị B. khẳng định, chị hoàn toàn tâm phục khẩu phục. “Qua sự việc này, tôi rút kinh nghiệm để sau này đã uống rượu bia rồi thì nhờ người nhà chở hoặc đi xe ôm thôi”, chị B. bộc bạch.
CSGT phát hiện người phụ nữ chạy xe trong tình trạng nồng độ cồn lên tới 0,467 mg/l khí thở.
Mọi trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đều sẽ bị tạm giữ phương tiện.
Tính tới 23h30, số biên bản mà tổ công tác đã lập tròn 10. Lúc này đã về khuya nên lượng xe cộ di chuyển qua giao lộ Lương Định Của - Mai Chí Thọ ít dần, nhưng lực lượng chức năng vẫn liên tục đo nồng độ cồn các tài xế lái xe trên cả trục đường Lương Định Của và Mai Chí Thọ để không bỏ sót các trường hợp có cồn. Tuy nhiên, gần 1 tiếng sau đó, CSGT chỉ phát hiện thêm 1 trường hợp là người nước ngoài.
Theo quy định, những trường hợp lái xe máy mà nồng độ cồn trong hơi thở vượt 0,4 mg/l (mức 3) sẽ bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Đối với mức 2 (vượt 0,25 - 0,4 mg/l), số tiền phạt là 4 - 5 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng. Còn ở mức 1 (tới 0,25 mg/l), người vi phạm sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Trong cả ba trường hợp, phương tiện sẽ bị tạm giữ 7 ngày.