Tại nhiều tiệm vàng, ngân hàng thương mại cổ phần có kinh doanh vàng ở TPHCM đều đồng loạt cho biết, đã hết vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn nhiều ngày nay vì nhu cầu khách mua tăng cao và chưa biết khi nào có lại.
Trưa 17/6, PV báo Tiền Phong đã đến nhiều điểm giao dịch của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngân hàng thương mại cổ phần có kinh doanh vàng ở TPHCM để tìm mua vàng miếng. Tại Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBJ) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), nhân viên cho biết, vàng miếng đã hết nhiều ngày nay và chưa biết bao giờ có lại. Chỉ vào bảng báo giá, thông tin giá vàng miếng SJC để trống. “Theo bảng giá cũ thì vàng miếng SJC là 76,9 triệu đồng/lượng nhưng bên em đã hết vàng, chưa biết khi nào có lại nên chị thông cảm” - nhân viên nói.
Khách tập trung rất đông trước Công ty SJC chờ mua vàng. ảnh: U.P
Sau khi lấy số và chờ đợi mua vàng tại ngân hàng HDBank trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), chúng tôi cũng được thông báo không còn vàng miếng SJC. Tình trạng hết vàng miếng, vàng nhẫn trơn cũng diễn ra tương tự tại PNJ Next trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), nơi đây cho biết chỉ còn vàng miếng loại 3 phân. Theo quan sát của PV, khá nhiều khách đến PNJ Next hỏi mua vàng miếng và đều thất vọng vì không có hàng.
Nhiều ngân hàng kinh doanh vàng thông báo hết vàng miếng SJC (ảnh: Khách tìm mua vàng miếng SJC tại Sacombank- SBJ trưa 17/6. ảnh: U.P
Còn tại Trung tâm vàng bạc đá quý Doji (quận 3) cũng không còn vàng miếng SJC, chỉ còn nhẫn trơn 9999 với giá 74,3 - 75,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tuy nhiên, nếu khách thanh toán trong ngày hôm nay thì mai mới có hàng.
Trước đây, tiệm vàng Kim Kim (quận 6) vẫn bán vàng miếng SJC nhưng nay hầu như không còn sản phẩm này trong quầy. “Hiện bên em chỉ mua vào chứ không bán vàng miếng” - nhân viên cho biết. Đây cũng là câu trả lời chung của rất nhiều tiệm vàng ở TPHCM khi khách có nhu cầu mua vàng miếng trong thời điểm này.
“Cả tuần này, rất nhiều khách đến hỏi mua nhưng đành phải ra về. Không phải cửa hàng không muốn bán, mà là không còn lượng vàng miếng hay vàng nhẫn nào để bán. Khi có sản phẩm trở lại, công ty sẽ phục vụ khách ngay” - một nhân viên tiệm vàng ở quận 5 cho biết.
“Ém” vàng?
Tình trạng các cửa hàng vàng “không bán ra, chỉ mua vào” đã diễn ra nhiều ngày nay, nhất là từ khi NHNN vào cuộc bán vàng miếng SJC giá hợp lý cho khách hàng cá nhân. Đáng nói, nhiều khách hàng tại TPHCM cho biết, tuần trước họ còn đến ngân hàng kinh doanh vàng và được nhân viên cho biết còn vàng nhưng giá cao hơn NHNN; nhưng vài ngày nay, sau khi báo chí phản ánh đã điều chỉnh giá về mức 76,9 triệu đồng/lượng. Thế nhưng khách hỏi mua thì đều được thông báo hết vàng. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng có hay tình trạng “găm vàng” chờ giá cao mới tung ra thị trường?
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Nếu nói rằng các cửa hàng vàng hết vàng thì tôi cho rằng điều đó khó xảy ra. Bởi lượng vàng nhẫn trơn, vàng miếng khó có thể hết trong thời gian ngắn như vậy. Theo tôi, tình trạng găm vàng có khả năng xảy ra nhiều hơn”.
Phân tích rõ hơn, ông Hiếu nói rằng, tuần trước một số ngân hàng thương mại không nằm trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng nhăm nhe bán vàng với giá cao hơn giá chính thức, nhưng từ tuần này họ không còn bán nữa. Có thể họ không muốn bán vàng ra trong lúc này. “Có nhiều lý do khiến họ không bán vàng, nhưng theo tôi phỏng đoán là họ sợ thanh tra. Vì NHNN đưa ra cách bán vàng dưới mức 77 triệu đồng/lượng, nhưng bây giờ bán cao hơn là đang phá vỡ giá bình ổn. Nếu như vậy NHNN sẽ không ngồi yên để họ tạo ra thị trường tự do bên cạnh thị trường nhà nước. Vì vấn đề an toàn nên họ ngưng bán thì đúng hơn” - ông Hiếu nói.
Để ổn định thị trường vàng, ông Hiếu cho rằng cần 2 yếu tố, đó là giá và nguồn cung. Yếu tố về giá đã thành công khi kéo giá vàng từ hơn 92 triệu đồng xuống dưới 77 triệu đồng/lượng, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy NHNN cần mở rộng nguồn cung, khi nguồn cung dồi dào, ai cũng có thể mua vàng thì giá đó mới ổn định khi cung cầu gặp nhau.
Vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị Chính phủ xem xét bán vàng miếng SJC cho các doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy phép mua bán vàng miếng như PNJ, DOJI..., để các đơn vị này bán lại cho người dân.
Theo VGTA, việc NHNN bán vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) nhằm thực hiện lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, các điểm bán tập trung ở Hà Nội và TPHCM nên người dân nhiều tỉnh, thành phố khác chưa có điều kiện mua vàng miếng. Do đó, nên mở rộng số lượng doanh nghiệp được mua vàng miếng từ NHNN để bán trực tiếp cho người dân.
Trước thông tin thất thiệt NHNN thiếu vàng, NHNN khẳng định không thiếu vàng và có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu... NHNN đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường.
Nhằm ổn định thị trường vàng, UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, NHNN chi nhánh TPHCM và Công ty SJC về đảm bảo gia công vàng miếng SJC cho NHNN. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Công ty SJC huy động năng lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng SJC của NHNN với khối lượng lớn, để phục vụ việc can thiệp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức tốt hoạt động kinh doanh, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện liên tục.