Theo các chuyên gia, hiện nay, các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chú trọng hợp tác với doanh nghiệp theo hình thức tiếp nhận học viên đến thực tập cuối khóa. Điều này thực tế không mang lại nhiều hiệu quả, đồng thời chưa đáp ứng được khả năng, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo địa chỉ, theo các chuyên gia, các trường, cơ sở giáo dục cần thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp liên kết. Đi liền với việc đặt hàng của các doanh nghiệp, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần đặt hàng đào tạo ra lực lượng trẻ, có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu hợp tác của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt được xu hướng dự báo về các ngành nghề “khát” nguồn nhân lực, nghề chất lượng tại các doanh nghiệp để có kế hoạch hợp tác hiệu quả. Theo dự báo, các ngành nghề thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí, cơ khí giao thông, điện tử, quản lý dự án, xây dựng công nghiệp, môi trường, nông nghiệp… vẫn đang rất cần nguồn lao động chất lượng cao.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đồng Trung Chính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội cho rằng, học nghề đang là xu hướng hiện nay. Phụ huynh, học sinh đã nhận thức đúng hơn về bản chất, mục đích của việc học nghề. Khi tìm hiểu về trường nghề, họ đã có định hướng công việc tương lai cho con em mình.
Ông Chính phân tích, học nghề sinh viên sẽ được làm việc, thực hành nhiều, sau khi ra trường không phải mất thời gian làm quen với nghề. Nếu như sinh viên lựa chọn học liên thông lên đại học có thể vừa học vừa làm. Bên cạnh đó, học nghề sớm sẽ giúp sinh viên có thể vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo được tay nghề bước vào ngưỡng cửa cuộc sống.
Ông Chính cũng chia sẻ thêm, hiện nay, nhiều ngành “hot” đang thiếu nhân lực như điện tử, may mặc… được học sinh lựa chọn đăng ký rất nhiều tại trường. Thậm chí, có những doanh nghiệp “khát” nhân lực phải đặt hàng sinh viên ngay từ đầu vào. Nhà trường đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để được tài trợ chi phí đào tạo giúp cho sinh viên được trực tiếp trải nghiệm, thực hành ở nhà máy, sau khi ra trường được nhận vào làm và trả mức lương cao.
“Có rất nhiều sinh viên đạt điểm cao có thể đỗ đại học nhưng vẫn lựa chọn nghề. Thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng quay lại học nghề bởi nhìn thấy ưu điểm của đào tạo nghề mang lại.
Các ngành thế mạnh của trường như: điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí... đều tạo cơ hội việc làm rộng mở.
Hiện tại, trường nghề liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, các em được tạo cơ hội tham quan, học tập, thực tập trực tiếp, giúp tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề. Sau khi tốt nghiệp được nhận vào các doanh nghiệp, rất nhiều sinh viên thành công từ trường nghề”, ông Chính chia sẻ.