Nhiều như mũ bảo hiểm giả ở Việt Nam

Hà Phương | 06/11/2023, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan trên thị trường.

mu-bao-hiem-ngoai-duong.jpg
Nhiều mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trên các con đường TP. Hà Nội.

Tại Việt Nam, hằng năm, tai nạn giao thông làm chết và bị thương hàng chục ngàn người dân. Trong số đó, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ xảy ra với người đi mô tô, xe máy chiếm khoảng 70%.

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy là một giải pháp bắt buộc nhằm hạn chế tai nạn, rủi ro có thể xảy ra đối với người điều khiển xe.

Xuất xứ mũ bảo hiểm sản xuất ở đâu?

Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (gọi tắt là mũ bảo hiểm) đạt chuẩn có thể giúp giảm được nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não do giảm nhẹ được tác động của lực bên ngoài lên đầu của người đội mũ. Theo thống kê sơ bộ, đội mũ bảo hiểm có thể giảm tới 42% nguy cơ tử vong khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về “một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông” đã quy định “từ ngày 15/12/2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp mũ bảo hiểm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn. Nhiều cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm có trang thiết bị thô sơ, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, chưa xây dựng được quy trình kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình tạo sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng.

Tại một số địa phương, còn nhiều cơ sở không hoạt động liên tục mà chỉ sản xuất, lắp ráp mũ bảo hiểm khi có đơn đặt hàng, giao ngay và không để hàng hóa tồn kho.

Vì vậy, khi cơ quan quản lý tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá chất lượng thì không có mẫu. Kho chỉ còn lại các chi tiết dùng để lắp ráp mũ bảo hiểm như quai đeo, xốp lót mũ, vỏ mũ, kính chắn gió để tách rời, không có thành phẩm mũ bảo hiểm.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm, các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải thực hiện việc chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận này chưa cao. Hầu hết các doanh nghiệp được chứng nhận là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có đầu tư bài bản về nhà xưởng, thiết bị công nghệ, phương tiện kiểm nghiệm và kiểm tra chất lượng.

Còn lại là các doanh nghiệp nhỏ với năng lực tài chính hạn chế, diện tích nhà xưởng nhỏ, chủ yếu là gia công lắp ráp mũ bảo hiểm thành phẩm nên hầu như không thực hiện chứng nhận.

Bên cạnh đó, việc quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được phép tự in dấu hợp quy (CR) gắn lên mũ bảo hiểm nên một số cơ sở sản xuất bỏ qua khâu kiểm định chất lượng, tự dán tem hợp quy CR để nhanh đưa sản phẩm ra thị trường.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ngoài việc sản xuất mũ bảo hiểm đạt chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (đã được chứng nhận hợp quy), vẫn sản xuất và đưa ra tiêu thụ một số loại mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn để kiếm lời.

Thậm chí, một số cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn sản xuất mũ có đủ 3 bộ phận như mũ bảo hiểm, và làm giả chứng nhận hợp quy kèm theo để đưa ra thị trường.

mu-bao-hiem-ngoai-duong-.jpg
Mũ bảo hiểm được bày bán trên nhiều tuyến đường.

Kinh doanh mũ bảo hiểm chưa được kiểm soát?

Hiện nay, việc phân phối mũ bảo hiểm trên thị trường được thực hiện thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ với các quy mô khác nhau, nhưng chủ yếu là nhỏ, lẻ.

Nhiều khi, các cá nhân kinh doanh còn bày bán ở vỉa hè, lòng đường, không có địa điểm bày bán cố định, bán lẫn với nhiều loại hàng hóa khác nhau khiến cho việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Nhiều cơ sở kinh doanh không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh theo quy định, không niêm yết giá, hoặc niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký.

Nhiều mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đầy đủ, không ghi nhãn phụ vẫn được bày bán khá phổ biến trong các cửa hàng, điểm bán lẻ trong toàn quốc.

Việc kinh doanh lẫn lộn mũ bảo hiểm có chất lượng đạt chuẩn và mũ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Hiện trạng phân phối mũ bảo hiểm chưa đạt yêu cầu về chất lượng, theo quy định của QCVN 02:2008 vẫn còn khá phổ biến trên thị trường hiện nay, do nhiều nguyên nhân và những khó khăn khác nhau.

Thời gian qua, nhận thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt với số người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đạt tỷ lệ cao, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn, tử vong do va chạm giao thông gây ra.

Mặc dù quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với người đi mô tô, xe máy đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với xã hội.

Nhưng việc kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Không kiểm soát được chất lượng mũ bảo hiểm sẽ dẫn đến việc mũ giả, mũ kém chất lượng xâm nhập thị trường, gây ra tác hại không nhỏ cho người sử dụng.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều như mũ bảo hiểm giả ở Việt Nam