Trả lời Zing về việc nhiều phụ huynh chưa nắm rõ thông tin tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho biết các trường mới nhận kế hoạch để triển khai. Hiện, quận đã chỉ đạo các trường thực hiện, dự kiến trong nay mai, phụ huynh sẽ được phổ biến thông tin kỹ hơn.
Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cũng đã dự đoán về trường hợp phụ huynh không thông thạo công nghệ hoặc không có thiết bị thông minh sẽ gặp khó khăn trong phương án tuyển sinh mới. Vì vậy, thời gian tới, các trường ở quận 8 sẽ thực hiện "chạy demo" cách tuyển sinh bằng bản đồ GIS để phụ huynh thử liên hệ trực tiếp nếu có thắc mắc và cần hỗ trợ. Ông Dân đánh giá đây có lẽ là khó khăn lớn nhất đối quận trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay.
Theo ông Dân, một khó khăn khác của phương án tuyển sinh bằng bản đồ GIS là phụ huynh có thể sẽ khó hiểu việc tính khoảng cách để chọn trường học gần nhà cho con. Tuy nhiên, ông Dân cho biết khi được hỗ trợ và hiểu rõ về việc này, phụ huynh sẽ nhận thấy phương án mới rất thuận lợi vì con sẽ được học ở trường gần nhà.
Đối với những trường hợp phụ huynh muốn con học trái tuyến, ông Dân thông tin trong kế hoạch tuyển sinh năm nay, Phòng GD&ĐT quận 8 sẽ thực hiện tuyển sinh trước ở 3 trường tiên tiến, hiện đại. Đây là các trường xét tuyển không phân biệt địa giới hành chính. Vì vậy, phụ huynh muốn con học trái tuyến có thể đăng ký, đến khi trường nhận đủ số lượng học sinh.
Ngoài trường hợp nếu trên, các phụ huynh có nhu cầu cho con học trái tuyến vì điều kiện gia đình sẽ phải gửi yêu cầu của mình lên trường hoặc phòng GD&ĐT quận 8. Ông Dân cho biết sau khi các trường ở bậc mầm non, tiểu học, THCS hoàn tất việc tuyển sinh theo bản đồ GIS, Phòng GD&ĐT sẽ xem xét đề nghị của phụ huynh. Nếu phù hợp, phòng sẵn sàng thông tuyến để phụ huynh cho con đi học thuận lợi.
Hiện tại, phòng GD&ĐT quận 8 đã khảo sát “sức chứa” của các trường để hạn chế tình trạng trường, lớp quá tải vì thực hiện tuyển sinh theo bản đồ GIS. Ông Dân cho biết qua khảo sát, toàn quận 8 có 16 phường, trong đó bao gồm 21 trường tiểu học công lập, chưa kể các trường ngoài công lập.
Đối với bậc THCS, các trường đều có quy mô số lớp lớn hơn nên toàn quận chỉ có 12 trường. Với dữ liệu này, ông Dân nhận định phụ huynh có thể yên tâm về nơi học của con vì phương án phân tuyến mới vẫn sẽ đảm bảo chỗ học.
Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên quận 8 thực hiện phương thức tuyển sinh GIS, ông Dân vẫn rất lo lắng về việc trường học quá tải. Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 đã đặt ra một số phương án dự phòng để chủ động xử lý, rút kinh nghiệm.
Trong khi đó, bàn về những thuận lợi, khó khăn khi tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT Thủ Đức, cho biết khó khăn nhất khi triển khai là địa chỉ của học sinh khó cập nhật do địa chỉ nhà của nhiều em nằm trong ngách, hẻm, rất khó định vị trên bản đồ.
Tuy nhiên, ông Nguyên trấn an phụ huynh rằng việc tuyển sinh sẽ diễn ra ổn định và không có vấn đề đáng lo ngại. Hiện, TP Thủ Đức vẫn chưa công bố thông tin tuyển sinh theo bản đồ GIS do TP đang cập nhật dữ liệu. Số lượng học sinh ở Thủ Đức rất đông nên việc cập nhật chưa thể hoàn thành.
Ông Vĩnh Nguyên lưu ý với phụ huynh rằng dù áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp, trẻ vẫn sẽ được bố trí học trên địa bàn phường vì mỗi phường đã có những đề xuất xây dựng trường học theo đúng quy mô, số lượng.
Với những học sinh có địa chỉ nhà giáp ranh giữa hai phường, bản đồ GIS mới được dùng đến để sắp xếp cho trẻ đi học ở trường gần nhất. Bản đồ GIS được TP.HCM áp dụng hiện nay được xây dựng theo quy tắc công khai, minh bạch nên phụ huynh sẽ biết trường của con em mình cách nhà bao nhiêu km.
"Việc sắp xếp học sinh còn phải căn cứ số học sinh cuối cấp đầu ra, từ đó sắp xếp số học sinh đầu vào tương ứng, đảm bảo không quá sĩ số, không quá tải. Phụ huynh yên tâm là các trường sẽ không quá tải để đảm bảo tất cả trường đều có thể sắp xếp học 2 buổi/ngày", ông Vĩnh Nguyên nhấn mạnh.