Nhiều sai sót ở các vòng chung kết của 'Đường lên đỉnh Olympia'

Lê Vy | 02/10/2022, 15:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước lần sai sót ở câu hỏi tiếng Anh của Charlie Puth, Đường lên đỉnh Olympia từng nhiều lần gây tranh cãi khi đưa ra đáp án sai, làm thay đổi kết quả vô địch.

Olympia đính chính đáp án cho câu hỏi tiếng Anh trong phần thi Về đích của Vũ Nguyên Sơn. Ảnh: Phạm Thắng.

Việc chương trình Đường lên đỉnh Olympia đưa đáp án sai, không chấp nhận câu trả lời đúng tại các trận chung kết năm 2022, 2014, 2012, 2011 và 2010 ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc, thậm chí gây tranh cãi về chức vô địch.

Nhận sai sót ở câu hỏi tiếng Anh của Charlie Puth

Khoảng 2 tiếng sau khi trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 22 kết thúc, fanpage của chương trình đăng bài đính chính về câu hỏi tiếng Anh 30 điểm ở phần thi Về đích của thí sinh Vũ Nguyên Sơn (THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội).

Cụ thể, chương trình đã đưa ra câu hỏi dựa trên lời bài hát See You Again (Charlie Puth sáng tác và thể hiện) như sau: "In this part of song, I have used a synonym for the word 'friendship'. Can you tell me which word it is?" (Trong đoạn trích của bài hát, tôi đã sử dụng một từ đồng nghĩa với từ "friendship" (tình bạn). Bạn có thể cho tôi biết đó là từ nào không?).

Vũ Nguyên Sơn không đưa ra câu trả lời. Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La, Sơn La) giành quyền trả lời và đưa ra đáp án là “Bond”. Sau đó, MC đọc đáp án chương trình là “Brotherhood”.

Ngay tại thời điểm trực tiếp, chương trình đã không chấp nhận đáp án của Bùi Anh Đức và trừ 15 điểm của thí sinh này.

olympia sai kien thuc anh 1
Charlie Puth đặt câu hỏi trong phần Về đích, chung kết Olympia năm 22.

“Sau khi chương trình kết thúc, chúng tôi đã kiểm tra lại với cố vấn tiếng Anh. Cố vấn chấp nhận câu trả lời của Bùi Anh Đức là ‘Bond’. Như vậy, có hai đáp án đúng ở câu hỏi này là: Bond và Brotherhood. Câu trả lời của Bùi Anh Đức là hoàn toàn chính xác”.

Do đó, BTC cho biết số điểm chung cuộc của 4 thí sinh sẽ thay đổi như sau: Vũ Bùi Đình Tùng 35 điểm, Vũ Nguyên Sơn 155 điểm, Đặng Lê Nguyên Vũ 205 điểm, Bùi Anh Đức 120 điểm.

“Số điểm này không làm thay đổi thứ hạng các thí sinh trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22”.

Cụ thể, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là chủ nhân vòng nguyệt quế. Vũ Nguyên Sơn về nhì, Anh Đức và Đình Tùng đồng hạng ba.

Thí sinh trả lời đúng nhưng không được điểm

Tại trận chung kết Olympia 2014, chương trình đưa ra câu hỏi: "Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng?". Thí sinh Nguyễn Hoàng Bách (TP.HCM) trả lời: "Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết". Ban cố vấn đã không chấp nhận câu trả lời này.

Quyết định sau đó vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Theo các giáo viên, câu trả lời của Bách có thể chấp nhận được bởi thí sinh đã vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu được học trong chương trình Sinh học lớp 10.

olympia sai kien thuc anh 2
Nguyễn Hoàng Bách - á quân Olympia 2014 - không được điểm dù đưa ra đáp án đúng. Ảnh: Lê Hiếu.

Nếu được chấp nhận, Hoàng Bách sẽ ngang bằng số điểm với Nguyễn Trọng Nhân - quán quân năm 14.

Dù Hoàng Bách và gia đình không có ý định khiếu nại, trước ý kiến trái chiều của dư luận, ban tổ chức, ban cố vấn và các thí sinh tham gia vòng chung kết năm 14 đã cùng họp và đưa ra quyết định.

Sau khi thảo luận, ban tổ chức tuyên bố giữ nguyên đáp án đã công bố, đồng nghĩa với việc điểm số và thứ hạng của các thí sinh không thay đổi. Cách xử lý này không làm thỏa mãn kỳ vọng của khán giả.

Nghi vấn đáp án sai

Trong chung kết Olympia 2012, câu hỏi: "3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời" có các lựa chọn từ A-F tương ứng 4-9.

Trần Lê Phương (Quảng Nam), Đặng Thái Hoàng (Quảng Ninh) chọn đáp án C và được cho điểm. Sau đó, khán giả phân tích các đáp án ban tổ chức đưa ra đều sai, bởi câu trả lời chính xác phải là số lẻ: 5+2/3 (5,6666...), không phải 6.

Nếu vậy, Thái Hoàng phải bị trừ 30 điểm trong tổng điểm chung cuộc. Người vô địch năm đó phải là Thân Ngọc Tĩnh (TP.HCM) với 230 điểm.

Tuy nhiên, không ít người nhận định việc trừ điểm Thái Hoàng là không công bằng và không thể quyết định cục diện trận đấu.

Hàng loạt trang mạng được lập ra để ủng hộ cả Thân Ngọc Tĩnh và Đặng Thái Hoàng. Fanpage chương trình cũng quá tải vì những lời yêu cầu xử lý vụ việc thỏa đáng từ phía khán giả.

Kết quả chung cuộc cuối cùng được giữ nguyên. Do đó, quy định của ban tổ chức: "Mọi khiếu nại phải do chính thí sinh đưa ra và chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi hình phần thi đó" cũng gây ý kiến trái chiều.

Tranh cãi đáp án

Trận chung kết năm 2011 cũng có câu hỏi với phần đáp án gây tranh cãi. Ban tổ chức đưa ra 5 dữ liệu để các thí sinh tìm đáp án cho câu hỏi: Đây là gì?

olympia sai kien thuc anh 3
Câu trả lời của quán quân Olympia 11 từng gây tranh cãi. Ảnh: VTV.

Các gợi ý lần lượt như sau: 1. Đây là hợp chất vô cơ, 2. Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion, 3. ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp), 4. Một loại gia vị, 5. Salt.

3/4 thí sinh đưa ra đáp án mà MC Tùng Chi công bố: Muối. Sau đó, ban tổ chức chấp nhận cả đáp án "muối ăn" do Phạm Thị Ngọc Oanh (Hải Phòng) đưa ra. Kết quả, Ngọc Oanh vô địch Olympia 2011.

Sau chương trình, nhiều khán giả cho rằng việc công nhận đáp án của Ngọc Oanh không chính xác. Bởi câu trả lời đó không thỏa mãn dữ kiện thứ 3 để nói về tác phẩm Muối của rừng từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Theo TS Nguyễn Đức Chuy - cố vấn Hóa học của chương trình, bức ảnh cuối cùng là hình ảnh người dân làm muối trên biển, vì thế đáp án muối ăn là có thể chấp nhận được.

Phát âm tiếng Anh sai

Chung kết Olympia 2010 gây tranh cãi vì cách phát âm tiếng Anh của quán quân Phan Minh Đức (Hà Nội).

Minh Đức đã phát âm và đánh vần sai đáp án “plumber” (thợ sửa ống nước) cho câu hỏi ở phần thi Về đích. Cụ thể, thay vì phát âm ['plʌmə], Minh Đức lại nói ['plʌmbə]. Hai lần MC Tùng Chi yêu cầu đánh vần, nam sinh này đều lần lượt nói p-l-u-m-p-e-r.

Theo khán giả, với phát âm của Đức, đáp án phải là “plumper” chứ không phải “plumber”. Tuy nhiên, câu trả lời này lại được chấp nhận. Chiến thắng chung cuộc thuộc về đại diện THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Nhiều khán giả không đồng tình, cho rằng thí sinh Đỗ Đức Hiếu, người luôn rượt đuổi điểm số với Minh Đức, bị thiệt thòi.

Sau cùng, cố vấn tiếng Anh của chương trình khẳng định câu trả lời của Minh Đức là chính xác bởi hầu hết người châu Á đều dễ phát âm nhầm lẫn, còn phần đánh vần trong câu hỏi không yêu cầu.

Bài liên quan
Học sinh và người dân Sơn La dầm mưa cổ vũ Chung kết Olympia
Đông đảo người dân và học sinh đứng dưới mưa cổ vũ Bùi Anh Đức thi Chung kết Olympia lần thứ 22 tại Quảng trường Tây Bắc, TP. Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều sai sót ở các vòng chung kết của 'Đường lên đỉnh Olympia'