Trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào ngôi trường đại học mơ ước, nhiều thí sinh dồn toàn lực học thâu đêm đến kiệt sức.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, thời gian biểu của Phạm Thị Hải Yến, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình) chỉ xoay quanh việc ăn và học. Ngoài hai buổi học chính sáng, chiều tại trường, Yến chỉ kịp về nhà tranh thủ ăn uống rồi tới lớp học thêm tối các môn Văn, Toán, Anh. Tan học lúc 9h giờ tối, nữ sinh lại tiếp tục về nhà "cày đêm" thay vì đi ngủ.
Ngày nào Yến cũng thức khuya học bài đến 2-3 giờ sáng, vì đây là thời điểm yên tĩnh, dễ tập trung. Nữ sinh dành khoảng 3 tiếng để học thuộc các kiến thức cần ghi nhớ của môn Văn. Thời gian còn lại, sẽ luyện đề môn Toán và Anh.
Trung bình một ngày, Yến dành từ 12-14 tiếng cho việc học. Cũng chính vì dành quá nhiều thời gian cho việc ôn luyện, mới tuần trước, em sốt li bì 3 ngày vì suy nhược và kiệt sức, khiến gia đình không khỏi lo lắng.
"Bố mẹ thường nhắc ngủ sớm để giữ sức khoẻ, nhưng em lại thấy mình hợp với việc học đêm, nên muốn tranh thủ thêm thời gian để ôn bài", nữ sinh nói và cho biết dù mệt nhưng biết không còn nhiều thời gian để bước vào cuộc đua "vượt vũ môn".
Đặt mục tiêu xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Ngoại thương, Yến phải cố gắng hết sức để đạt trên 27 điểm, trung bình khoảng 9 điểm/môn.
Không ít thí sinh lâm vào tình trạng lo lắng, căng thẳng đến mất ăn mất ngủ trong giai đoạn giai đoạn nước rút của kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)
Lựa chọn khối A để thi vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, em Nguyễn Quang Minh, trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) không tránh khỏi tâm lý thấp thỏm, lo âu vì điểm chuẩn những năm gần đây khá cao. Chưa kể, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay đông, nhiều bạn sở hữu chứng chỉ IELTS, trở thành “đối thủ” đáng gờm của Minh trên hành trình chạm tới cánh cổng trường đại học mơ ước.
Xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng, quyết định đến chặng đường học tập và tương lai nên trong suốt thời gian qua nam sinh hạn chế tối đa hoạt động giải trí để tập trung ôn luyện. Càng gần đến ngày thi, cùng với nỗi lo sợ, thời gian học của Minh cũng tăng lên. Ngoài đến trường học vào các buổi trong tuần, buổi tối nam sinh dành thời gian học trực tuyến cùng gia sư, sau đó tự học.
Thời gian học của Minh khoảng 10-12 tiếng/ngày, có đêm ngủ muộn nhưng sáng em vẫn thức dậy từ 4h để ôn lại kiến thức, làm các đề thi mẫu và bài tập thầy cô giao. Lịch học chiếm nhiều thời gian khiến chàng trai gầy đi trông thấy, thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ.
"Nhiều khi em thấy đuối lắm, muốn được nghỉ ngơi, nhưng nhìn bạn bè ôn tập thâu đêm suốt sáng, em thấy sốt ruột nên không cho phép bản thân lười biếng", Quang Minh nói. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng cũng giống như những người bạn cùng trang lứa, nam sinh này không tránh khỏi căng thẳng và lo lắng khi ngày thi cận kề.
Bình tĩnh, tự tin vượt qua kỳ thi
Thấu hiểu tâm lý của học sinh trong giai đoạn nước rút hiện nay, cô Lê Thị Bình, giáo viên trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khuyên học sinh giảm cường độ học, tập trung ôn luyện thật kỹ các kiến thức nền trước khi bước vào kỳ thi.
Thay vì cố gắng nhồi nhét thêm kiến thức, các thí sinh cần xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý, để bộ não có thời gian ghi nhớ. Bước vào phòng thi, nếu được ôn luyện kỹ, bộ não sẽ tự động tái hiện lại kiến thức đã học giúp các em vượt qua bài thi dễ dàng.
"Nhiều em lo lắng, sợ hãi ngay trong thời gian ôn tập ở nhà, hoặc học với cường độ cao, ăn ngủ không đúng giờ, dẫn đến việc đi thi không đạt được kết quả mong muốn. Do vậy thời gian này, các em nên học tập điều độ, chú ý nghỉ ngơi, thư giãn", cô Bình khuyên các thí sinh hãy chuẩn bị tinh thần thoải mái, tự tin để bước vào kỳ thi.
Học sinh không nên đặt quá nhiều áp lực cho bản thân. Hiện các trường đều đa dạng các phương thức xét tuyển thay vì chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dù thành công hay thất bại, đây cũng là bài học để các em tiếp tục tiến về phía trước, mở ra chương mới của cuộc đời.