Nhiều vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai Chương trình GDPT mới

Anh Tú | 18/03/2023, 19:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 18/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề trong việc triển khai Chương trình GDPT mới, SGK được Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra cho lãnh đạo các sở, ngành và Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.

Khó khăn không do chương trình, mà đến từ nguồn lực đầu tư

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ban thường vụ Quốc hội cho biết, khi đi giám sát thực hiện chương trình mới tại huyện Cần Giờ, đoàn thấy rõ sự thiếu thốn của các trường. Cũng chương trình này, trong khi giám sát việc thực hiện tại một trường quốc tế ở TPHCM, tình hình dạy học khá thuận lợi.

"Thực tế giám sát khiến Đoàn đặt ra câu hỏi: Phải chăng những khó khăn của chúng ta không nằm ở chương trình, mà nằm ở cơ chế, công tác chuẩn bị? Cơ chế đấu thầu, ngân sách dành cho giáo dục đã phù hợp hay chưa? Rõ ràng khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vẫn chủ yếu nằm ở khối công. Khối tư thục nhờ nguồn lực chủ động và tự chủ, khó khăn gần như là rất ít"- ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, không chỉ khối trường phổ thông công lập gặp khó, qua giám sát cho thấy các trung tâm GDTX còn khó khăn gấp bội.

"Khó khăn và thiếu thốn là vô cùng lớn, lãnh đạo các đơn vị kêu rất nhiều. Trong Nghị quyết 51 của Quốc hội nêu rõ, Chính phủ chuẩn bị điều kiện để thực hiện Chương trình, SGK mới. Chính phủ cũng đã có nghị quyết rồi nhưng khi triển khai chúng ta thiếu hụt đủ thứ, từ đội ngũ cho đến cơ sở vật chất... Đây rõ ràng là điểm thắt chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận để có hướng tháo gỡ"- ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai Chương trình GDPT mới ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi thông tin tại buổi làm việc.

Công tác xây mới trường học chững lại

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn thì cần trao đổi, tìm hướng tháo gỡ để việc thực hiện chương trình hoàn thiện hơn.

"Ở các cơ sở giáo dục chúng tôi tới giám sát tại TPHCM, các phòng chức năng, cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình mới đều chưa có và rất thiếu. Với địa phương có điều kiện như TP, trang thiết bị phục vụ học tập vẫn thiếu, vậy các địa phương khó khăn thì thế nào trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hành nghiên cứu?"- ông Sơn băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi thực hiện Chương trình GDPT mới, nhu cầu giáo viên sẽ linh hoạt, việc TPHCM chuẩn bị đội ngũ giáo viên trong tương lai ra sao là điều rất quan trọng. Nếu TP không tính toán kỹ sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Vì vậy, theo bà Hoa, vai trò và trách nhiệm của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT TPHCM rất quan trọng, cần phải tính toán đến các yếu tố này để tránh xảy ra những vướng mắc và thực trạng thiếu/ thừa giáo viên.

"Theo thông tin từ 2 trường sư phạm, số giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý năm 2023 ra trường rất ít. Năm 2023, cả hai trường có khoảng 76 sinh viên tốt nghiệp (chia cho 19 tỉnh, TP) nên việc sử dụng giáo viên thực tế theo phân bổ không thấm vào đâu so với nhu cầu. Chúng tôi xác định đội ngũ này sẽ làm nòng cốt để bồi dưỡng cho số giáo viên hiện nay, nhằm thực hiện việc giảng dạy tốt hơn" - ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng nhìn nhận việc triển khai Chương trình GDPT mới tại TP vẫn còn nhiều khó khăn. Quận Gò Vấp hiện có tỉ lệ phòng học trên dân số thấp nhất TP, khi chỉ đạt 205 phòng học/10.000 dân. Hiện nay, TP mới chỉ đạt 294 phòng học/10.000 dân, mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân TP đang phấn đấu đến năm 2025.

"Bình quân một năm TP tăng từ 500-600 phòng học nhưng do 2 năm qua TP dồn lực cho nhiều vấn đề khác như chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế xã hội nên ngân sách dành cho công tác xây mới trường học chững lại" - ông Hiếu thông tin.

Chia sẻ về công tác bồi dưỡng giáo viên, ông Hiếu cho biết Sở GD&ĐT đã kết hợp với 2 trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện bồi dưỡng cho tất cả giáo viên cốt cán. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, số giáo viên cốt cán còn phải tham gia đánh giá, cho điểm giáo viên nên rất vất vả, khiến số ít giáo viên chưa được đánh giá.

Nhìn nhận thực tế và tìm hướng tháo gỡ

Báo cáo của ngành Giáo dục TPHCM cho thấy, học sinh TP được học 2 buổi/ngày có tỉ lệ cao. Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tình trạng thiếu hụt phòng học, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày nhiều quận vẫn còn rất thấp, như quận 12 chỉ đạt trên 25%. "Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng để có hướng tháo gỡ" - bà Hoa nói.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai Chương trình GDPT mới ảnh 2
Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCMtrao đổi thông tin về các giải pháp dự kiến tháo gỡ.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết: TP có quy hoạch mạng lưới trường lớp và cập nhật thường xuyên. Toàn TP còn khoảng 10 quận huyện rơi vào tình cảnh khó khăn như quận 12. Quận 12 còn có quỹ đất, còn ở quận Tân Phú, tỉ lệ học 2 buổi/ngày chỉ 20% nhưng không còn khu vực nào để tạo lập quỹ đất cho giáo dục.

"Việc xây dựng trường học đang thực hiện theo quy định chung của Bộ, tại TP có nhiều vị trí đất không đáp ứng được theo quy chuẩn. Vấn đề này cần phải nghiên cứu, tính toán tháo gỡ. Nhiều khu đất buộc phải xây cao tầng nhằm đáp ứng và giải quyết nhu cầu học tập cho con em người dân, còn nếu cứ căn theo các quy định chung thì TPHCM không thể tháo gỡ vấn đề thiếu hụt trường lớp và quá tải sĩ số"- bà Tuyết cho hay.

"Trong quá trình rà soát tổng thể nếu trang thiết bị vượt quá khả năng cân đối của các quận, huyện, Sở Tài chính và Sở GD&ĐT sẽ tham mưu với UBND TP để bố trí thêm kinh phí. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có không ít đơn vị không chịu thực hiện báo cáo cụ thể về nhu cầu trang thiết bị, khiến công tác phân bổ gặp khó khăn" - bà Hương chia sẻ thêm.

Bà Trần Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM thông tin: Hàng năm Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị của Sở GD&ĐT thống kê để giao kế hoạch và phân bổ ngân sách mua sắm trang thiết bị theo quy định. Sở Tài chính cũng bố trí nguồn ngân sách cho các quận huyện (năm 2023, sở bố trí 10 triệu lớp/năm học).

Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết: Mặc dù trong thời gian qua TPHCM đầu tư rất nhiều nguồn lực cho ngành Giáo dục, nhưng số lượng học sinh đầu cấp tăng một năm 40.000 em. Mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học là sự cố gắng rất lớn nếu năm 2023 TP đạt được.

Chính phủ có Nghị quyết 24, 31, 81 trong đó giao cho TPHCM rất nhiều nhiệm vụ. Đơn cử như TP trong thời gian tới là nơi thu hút nhân tài, trung tâm kinh tế tài chính, văn hóa, giáo dục; TP văn minh và sáng tạo, có vai trò quan trọng trong mạng lưới trong khu vực…

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai Chương trình GDPT mới ảnh 3

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nắm thông tin, ghi nhận những vấn đề khó khăn của TPHCM.

"Để đạt được các mục tiêu này phải là con người, giáo dục. TPHCM quyết định 27% tổng thu ngân sách cả nước mà còn thiếu thốn như vậy thì các địa phương khác sẽ thế nào?

Việc thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học là thực tế của TPHCM, nhưng với mức lương như hiện nay thì không thể tuyển nếu không có chính sách thu hút và đãi ngộ xứng đáng. Chúng ta muốn thì rất nhiều nhưng nguồn lực đầu tư lại hạn hẹp nên rất khó để thực hiện.

Chúng tôi đang xây dựng thí điểm nghị quyết cơ chế chính sách vượt trội, rất mong được Quốc hội đồng tình trong tháng 5 tới. Nếu cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM được thông qua sẽ giúp TP tháo gỡ nhiều khó khăn nội tại hiện nay” - ông Ngân nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai Chương trình GDPT mới