Ngày 12/2/1966, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức mít tinh, gửi kiến nghị lên Chủ tịch hội nghị Giơ-ne-vơ yêu cầu có biện pháp đòi đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh. Giáo viên, học sinh toàn miền Bắc lúc đó đã để tang học sinh Hương Phúc bị giết hại. Ngày 13/2/1966, Bộ Ngoại giao nước ta đã ra tuyên bố cực lực lên án hành động vô nhân đạo tàn sát học sinh Hóa ở Hà Tĩnh và đòi đế quốc Mỹ rút về nước.
Hơn mười ngày sau (20/2/1966), đoàn đại biểu Hóa gồm thầy giáo Thái Văn Nhậm, phụ huynh Trương Thị Vỹ và học sinh Nguyễn Thị Mão (sống sót trong trận bom ngày 9/2/1966; hiện nay cô Mão đang sinh sống tại TP Hà Tĩnh)… do ông Lê Sỹ Nghĩa, Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh làm trưởng đoàn ra Hà Nội dự họp báo tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước đại diện các đoàn thể Trung ương và Hà Nội; các trường đại học và phổ thông, cùng hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà báo trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, ngày 28/2/1966 đoàn vinh dự được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Thời gian gặp Bác kéo dài hơn dự kiến. Tại buổi gặp mặt, Bác rất xúc động, chia sẻ trước những đau thương mất mát đối với các gia đình có con em bị chết, ân cần động viên chỉ bảo, nhắc nhở thầy trò nhà trường phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dạy tốt và học tốt. Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, Hương Phúc phải có nhiều thầy giỏi, trò giỏi. Riêng cháu Mão phải học giỏi để Bác khen”.
Ông Võ Huy Thìn kể lại ký ức đau thương. Ảnh: Tiến Hiệp |
Để khắc ghi sự kiện lịch sử này, năm 1988, Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Khê đã xây dựng đài tưởng niệm ngay tại hai hố bom, nơi 33 em học sinh thiệt mạng. 33 ngôi mộ được xây dựng lên trong khuôn viên tưởng niệm, ghi đầy đủ tên tuổi của những học sinh tử nạn.
Hàng năm cứ đến ngày 9/2, bạn bè và người dân địa phương tìm về thắp hương tưởng nhớ những học sinh đã tử nạn ở đây. Năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chứng tích tội ác chiến tranh Hóa là di tích Lịch sử quốc gia.
Năm 2017, một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê đã đầu tư kinh phí trên 300 triệu đồng để tôn tạo một số hạng mục của di tích. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, nhiều hạng mục của di tích đã bị xuống cấp theo thời gian.
Ông Võ Huy Thìn cho biết, năm 2021, có một lớp tiểu học trên địa bàn TP Hà Tĩnh về tham quan tại khu di tích. Chứng kiến cảnh xuống cấp ở đây, cô giáo chủ nhiệm của lớp học đó đã đề xuất chính quyền địa phương huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo để khu di tích xứng với tầm vóc lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng.
Tháng 12/2021, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh phối hợp với UBND Huyện Hương Khê và Sở VH,TT&DL, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh ban hành kế hoạch liên ngành về việc Phát huy giá trị lịch sử và nâng cấp Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh Hóa” giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn phát động Chương trình chung tay xây dựng và phát huy giá trị Di tích lịch sử trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh với chủ đề “Kế hoạch nhỏ - Góp viên gạch hồng”; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ việc tôn tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của di tích.
Với mong muốn đây sẽ là địa chỉ giáo dục truyền thống gắn với hoạt động trải nghiệm tại một số địa chỉ văn hóa, du lịch cho học sinh trong tỉnh. Ngành Giáo dục Hà Tĩnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trường học trong toàn tỉnh lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về giá trị lịch sử của Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh hóa”.
Ông Nguyễn Trung Thương - Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Hương Khê cho biết, trong thời gian qua nhằm phát huy giá trị lịch sử và từng bước tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn, UBND huyện Hương Khê đã tập trung chỉ đạo các giải pháp gồm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ các di tích lịch sử; thường xuyên bảo vệ môi trường ở các khu di tích; phát huy giá trị lịch sử để từng bước tôn tạo nâng cấp.
“Đối với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh Hóa” thực hiện kế hoạch liên ngành đến nay đã vận động được hơn 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Từ nguồn đó, huyện đang chỉ đạo nâng cấp nhiều hạng mục.
Trong thời gian tới, đối với UBND huyện Hương Khê và trách nhiệm của đơn vị, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của kế hoạch liên ngành. Đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, học sinh hành hương về địa chỉ này nhằm giáo dục truyền thống cách mạng để mọi người biết rằng đây là di tích lịch sử có ý nghĩa hết sức to lớn”, ông Thương nói.