Nhóm nhà khoa học Việt sản xuất phân bón từ nước thải

17/05/2023, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chất thải trong các nhà máy sản xuất phân bón rất giàu Nitơ (N) và Phốt pho (P) vốn cần thiết cho cây trồng.

Cụ thể, PGS.TS Lê Minh Viễn và các cộng sự đã xác định các thành phần chính của nguồn nước để đề xuất phạm vi của các thông số công nghệ và các phương pháp điều chế, đánh giá các tính chất của sản phẩm.

Kết quả nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm cho thấy các thông số công nghệ như pH, tỷ lệ mol Mg/P, tỷ lệ mol N/P, thời gian phản ứng ảnh hưởng đến hiệu suất kết tủa struvite. Trong đó, thông số ảnh hưởng mạnh nhất là pH, tỷ lệ mol Mg/P, tỷ lệ mol N/P.

“Struvite dễ dàng kết tủa trong khoảng pH từ 7 - 9,5, thậm chí ở thời gian phản ứng là 30 phút. Đặc biệt, nghiên cứu này đã xây dựng được sự tương quan của các thông số công nghệ đến hiệu suất thu hồi N”, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ thông tin.

PGS.TS Lê Minh Viễn cho biết, từ kết quả tối ưu hóa, các thông số công nghệ được lựa chọn để tiến hành kiểm tra, thử nghiệm với quy mô pilot với công suất 1m3/ngày. Quá trình kết tủa struvite được thiết kế và vận hành thực tế trên thiết bị có tổng thể tích là 1.000 lít.

Đối chiếu với tiêu chuẩn về độ tan theo ISO 18644:2016, sản phẩm struvite thu được là loại phân bón chậm tan. Struvite có hàm lượng dinh dưỡng (Mg, N và P) cao cùng với tính chất tan chậm, struvite phù hợp để làm phân bón tan chậm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, sự tương thích của struvite với các nguyên liệu truyền thống cũng được kiểm tra nhằm sử dụng nguyên liệu này để sản xuất các sản phẩm phân bón NPK. Struvite dễ dàng sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón như các nguyên liệu truyền thống khác.

Khi sử dụng struvite càng nhiều, độ tan của sản phẩm NPK càng giảm. Độ tan giảm của sản phẩm là lợi thế cho việc tiết kiệm và sử dụng phân bón hiệu quả do hạn chế sự rửa trôi và thất thoát do phân bón tan quá nhanh.

Phân bón này có thể giảm từ 20 - 30%, thậm chí nhiều hơn, nếu xét trên khối lượng (sử dụng) so với phân bón thông thường mà vẫn có năng suất tương đương.

Nhóm đã sản xuất thử nghiệm thành công 50 kg sản phẩm struvite thu hồi từ nước thải (của nhà máy sản xuất phân bón); hoàn thiện quy trình công nghệ thu hồi struvite từ nước thải nhà máy phân bón; cũng như quy trình công nghệ sản xuất phân NPK sử dụng sản phẩm struvite tạo ra trong quá trình thu hồi N, P từ nước thải nhà máy phân bón.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhom-nha-khoa-hoc-viet-san-xuat-phan-bon-tu-nuoc-thai-post638828.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhom-nha-khoa-hoc-viet-san-xuat-phan-bon-tu-nuoc-thai-post638828.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm nhà khoa học Việt sản xuất phân bón từ nước thải