Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, các sản phẩm này buộc trẻ phải gò ép mình khi sử dụng, không tạo được sự thoải mái và có phần khiến trẻ bị kích động hơn. Còn áo thông minh của nhóm, hoạt động theo cơ chế tự động, điều khiển từ xa bằng sóng RF để phục vụ trẻ, tạo sự thoải mái bằng việc massage cho trẻ.
Muốn thử nghiệm trên nhiều trẻ tự kỷ hơn
Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, nhóm đã thử nghiệm sản phẩm cho hơn 10 trẻ bị tự kỷ. Một bé trai 7 tuổi ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng từng sử dụng áo trong trạng thái la hét, quậy phá. Khi mặc áo, các hệ thống hoạt động trong hơn 10 phút, trẻ trấn tĩnh trở lại, dần hết trạng thái kích động.
Nhiều phụ huynh có con tự kỷ đánh giá cao khi sản phẩm có thể hỗ trợ cha mẹ trong việc chăm sóc con vốn rất vất vả. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh góp ý mẫu mã bên ngoài như màu sắc, trang trí của áo cần được thiết kế phù hợp hơn, tạo sự thích thú khi mặc.
“Thời gian tới, nhóm sẽ thiết kế thêm mẫu mới theo kiểu áo choàng để việc bố trí các túi khí bao trùm toàn bộ cơ thể trẻ, giúp tăng hiệu quả giảm sự kích động cho trẻ. Ngoài ra áo cũng được tích hợp thêm các cảm biến về sức khỏe để theo dõi thể trạng các bé tốt hơn”, Dũng nói và cho biết, dự kiến nhóm sẽ kiểm định sản phẩm tại cơ quan y tế và liên hệ với các trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ để thử nghiệm cho nhiều trẻ hơn để đánh giá về độ an toàn khi sử dụng.
Thạc sĩ Đinh Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc khối hệ thống phần mềm, Công ty Công nghệ Fossil Việt Nam đánh giá, đây là sản phẩm thiết thực, thể hiện tấm lòng của các bạn trẻ với những trẻ em tự kỷ. Sản phẩm nếu triển khai được cho nhiều trẻ sẽ rất có ý nghĩa về mặt xã hội, hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khuyến cáo nhóm nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm với nhiều trẻ tự kỷ để có đánh giá hiệu quả trên cơ sở khoa học như với mức độ ép sâu bao nhiêu, thời gian bao lâu thì phát huy tác dụng.