Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, hành vi phạm tội của các đối tượng này là có tổ chức và rất manh động. Đặc biệt là hung khí của các đối tượng có tính sát thương cao, hoạt động theo kiểu bầy đàn, ở độ tuổi dễ bị kích động nên gây mất ANTT an toàn xã hội. Hành vi được xác định là phạm tội nhiều lần nên các đối tượng này sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Thời gian qua xuất hiện không ít các nhóm đối tượng thanh thiếu niên có sử dụng hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nơi công cộng, thậm chí giết người.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, với độ tuổi bồng bột như vậy, lại tụ tập đông người thì rất dễ bị kích động, bị lôi kéo. Từ những hành vi gây rối trật tự công cộng rất dễ nảy sinh các hành vi tiếp theo là cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản…
“Vụ việc trên sẽ làm bài học cho các bậc phụ huynh làm cha làm mẹ trong việc quản lý, giáo dục con cái. Những vụ việc như thế này có một phần lỗi của gia đình, của các bậc phụ huynh khi thiếu quan tâm giáo dục con cái hoặc quá nuông chiều khiến các con dựa vào thế mà sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật..”, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội, nhà giáo Nguyễn Thị Hà. |
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hà, đại biểu Quốc hội khóa XV bày tỏ, đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình và toàn xã hội. Thanh thiếu niên sẽ không thể lường trước những hậu quả mà mình gây ra, khi vi phạm pháp luật phải hối hận trong muộn màng.
Ở góc độ nhà giáo, đại biểu Hà bày tỏ, trẻ vị thành niên phạm tội vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương. Vẫn còn tình trạng các em là nạn nhân từ sự thiếu quan tâm, giáo dục không đúng cách từ gia đình và xã hội.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, bà Nguyễn Thị Hà bày tỏ, sự phát triển và ngày càng phổ biến của Internet, mạng xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có cả mặt trái. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục thế hệ trẻ, thanh thiếu niên trong gia đình, nhà trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra là thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân, đặc biệt các em có hoàn cảnh éo le như bố mẹ ly hôn, thiếu sự giáo dục, quản lý chặt chẽ từ gia đình. Hoặc do gia đình bố mẹ giao phương tiện giao thông là xe máy cho các con khi chưa đủ điều kiện dẫn tới việc thanh thiếu niên sử dụng xe máy lạng lách đánh võng, mang theo hung khí.
Đại biểu Hà nhấn mạnh, trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học sinh không của riêng ai.
“Mỗi gia đình cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, vui chơi cùng con để hiểu những thay đổi tâm lý của con khi con đang trong giai đoạn học làm người lớn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, thường xuyên trao đổi, nắm bắt những bất thường của học sinh để sớm có biện pháp ngăn chặn. Tránh tình trạng tương tự vụ việc trên có thể xảy ra...”, bà Hà nêu giải pháp.