Là một sinh viên tài năng của Học viện Hàng không Việt Nam, nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Hường (sinh năm 2000, quê Thanh Hóa) vừa tốt nghiệp loại xuất sắc, với số điểm 3.61/4 ngành Kỹ thuật Hàng không. Hường cũng là cô gái có quyết tâm thay đổi định kiến "chỉ có nam mới học ngành kỹ thuật".
Mặc dù là nữ, nhưng Hường rất thích việc được thực hành trên các động cơ hơn là nghiên cứu sách vở. Hường cũng không ngại khi phải làm việc ở ngoài nắng, tháo lắp động cơ, sửa chữa máy móc hoặc kể cả khi mang vác các vật nặng. Bên cạnh đó, Hường lại có sự khéo léo, tỉ mỉ trong công việc nên các việc Hường làm trở nên chỉn chu hơn rất nhiều.
Trong quá trình học tập tại Học viện Hàng không Việt Nam, Hường cho hay bản thân đã rất may mắn khi có cơ hội được cùng làm việc với các thầy cô trong nhiều dự án. Trong đó có đề tài "Ứng dụng thực tế ảo trong bảo dưỡng". Với nghiên cứu này, người dùng có thể sử dụng các kính thực tế ảo đã được cài đặt sẵn các chương trình bảo dưỡng để thực hành hóa các quy trình bảo dưỡng của một hãng hàng không. Ngoài ra, Hường cũng tham gia nhóm nghiên cứu về quá trình đánh giá an toàn và chất lượng trong bảo dưỡng của hãng hàng không tại Học viện.
Một "bóng hồng" nữa làm rạng danh ngôi trường đó là Vũ Khánh Ly, sinh viên tốt nghiệp Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị Cảng hàng không) tại Học viện Hàng không Việt Nam. Vào năm 2015, Vũ Khánh Ly đã trúng tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Emirates. Đây là hãng hàng không lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư Dubai thuộc Chính phủ Dubai.
Thủ khoa Nguyễn Đình Thắng, nam sinh viên vừa tốt nghiệp thủ khoa loại xuất sắc đợt tháng 12/2022 chuyên ngành Kỹ thuật hàng không đã quyết định ở lại trường công tác. Hiện tại, Thắng vừa làm việc tại khoa vừa làm hồ sơ đăng ký xét tuyển thạc sĩ ngành Kỹ thuật hàng không để có thể nâng cao chuyên môn và làm việc lâu dài tại trường.
Chia sẻ về cơ duyên học Học viện Hàng không Việt Nam, Đình Thắng chia sẻ: "Ngày làm hồ sơ thi tuyển, trên đường từ trường về nhà, mình vô tình nhìn thấy máy bay ngang qua bầu trời, trong đầu liền bật lên suy nghĩ: "Có trường nào đào tạo về hàng không hay không? Hay là mình chọn học hàng không?". Về tới nhà mình tìm hiểu về các trường đào tạo về hàng không. Cuối cùng, bản thân đã chọn chuyên ngành Kỹ thuật hàng không để học tập trong 5 năm.
Trong suốt 5 năm học, Nguyễn Đình Thắng đều đạt danh hiệu "Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc" và trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kỹ thuật hàng không.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nhân lực hàng không tăng cao trong giai đoạn 2025-2030, với việc mở rộng cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất,…; xây mới cảng hàng không Long Thành, Phan Thiết, Lào Cai, Điện Biên…, ông Trần Hoài An cho biết: Học viện đã chủ động tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời kết hợp với các tổng công ty cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các công ty vận tải và dịch vụ hàng không,… mở rộng đối tượng và quy mô đào tạo nhân lực theo hình thức xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ở khắp đất nước, đặc biệt là các vùng xa xôi như miền núi và hải đảo.
"Chúng tôi còn có trách nhiệm đào tạo nhân lực hàng không cho nước bạn Lào, Campuchia và các quốc gia khác trong khu vực", ông Trần Hoài An nói.
Chia sẻ thêm về những định hướng của trường trong thời gian tới, ông An cho biết: Học viện đã ban hành bản sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, Kế hoạch phát triển Học viện đến năm 2025 xác định tầm nhìn và hoạch định hướng đi rõ nét cho nhà trường trong giai đoạn từ nay đến 2030 với 3 mục tiêu chính gồm: Học viện Hàng không Việt Nam sẽ trở thành một cơ sở đào tạo hàng đầu về hàng không trong khu vực; trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín về ngành hàng không tại Việt Nam và trở thành một tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hàng không và các lĩnh vực liên quan.