Một khu đất ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà bà Trần Ngọc Bích trúng đấu giá. Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị thẩm tra lại hành vi của người trúng đấu giá.
Tại TPHCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh “đất vàng” cho gia tộc này. Trước đó, 8 mảnh đất này đã được bà Nhung thế chấp ngân hàng.
Dính nhiều lùm xùm
Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho ra mắt thương hiệu bất động sản Song Thanh để triển khai các dự án với các quỹ đất đắc địa tại Đà Nẵng, Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên đến nay, gia tộc Trần Quí Thanh chưa có sản phẩm bất động sản nào chào bán ra thị trường. Ngược lại, liên tục bị dính vào lùm xùm vì đất đai.
Cụ thể, ngày 24/2/2022, Thanh tra Bộ Tư pháp công bố quyết định thanh tra số 07/QĐ-TTr việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước, trong việc đấu giá tài sản theo hợp đồng số 03/HĐ-DVĐGTS ngày 13/4/2021.
Trước đó vào đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Phước quyết định đấu giá quyền sử dụng đất Khu dân cư Phú Thịnh rộng 79.840 m2 gồm 76 lô và 11 cụm, giá khởi điểm 673 tỷ đồng. Tại cuộc đấu giá này, bà Trần Ngọc Bích và ông Phạm Phú Quốc - nhân viên Tân Hiệp Phát cùng đăng ký tham gia.
Việc hai người cùng một tổ chức cùng tham gia cuộc đấu giá là sai so với Luật Đấu giá tài sản và Quy chế cuộc đấu giá. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước đã không nhắc đến vi phạm này mà vẫn cho bà Bích và ông Quốc cùng tham gia. Kết quả, bà Bích trúng đấu giá 10/11 cụm và 54/76 lô đất.
Hồi đầu tháng 10/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã gửi văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp hồ sơ 2 khu đất mà bà Trần Ngọc Bích đã trúng đấu giá. Khu đất thứ nhất rộng 9.994 m2 tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định công nhận kết quả đấu giá với 80,1 tỷ đồng vào ngày 28/2/2020. Khu đất thứ hai rộng 20.040 m2 tại Phước Hải, huyện Đất Đỏ, bà Bích trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất này với giá 170 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2019, bà Bích cũng gây xôn xao dư luận khi liên quan đến việc trúng đấu giá khu đất gần 80.000 m2 ở An Hải - An Hội, huyện Côn Đảo với giá 537,33 tỷ đồng, mức giá sát với giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng. Đến tháng 11/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản giao công an cùng các sở ngành có liên quan rà soát, thẩm tra một số vấn đề liên quan đến kết quả đấu giá quyền sử dụng tại khu đất này.
Khu dân cư Phú Thịnh bị Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản vì liên quan đến bà Trần Ngọc Bích và ông Phạm Phú Quốc - nhân viên Tân Hiệp Phát (Ảnh: P. L).
Đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích. Vụ án được khởi tố căn cứ đơn tố cáo vào tháng 10/2020 của ông Lê Văn Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai. Công ty này tố giác bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và trốn thuế tại Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai, Công ty Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Tương tự, ngày 5/11/2020, ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Công ty TNHH Đo đạc Tư vấn Thiết kế Xây dựng DCB (trụ sở tại quận Tân Phú, TPHCM) - đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an tố cáo bà Trần Uyên Phương và một người khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến khu đất nằm trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân.
Vào tháng 12/2020, UBND TPHCM đã nhận được đề nghị của Bộ Công an về việc ngăn chặn mọi biến động và yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, pháp lý liên quan tới 33 thửa đất tại quận Bình Tân, Thủ Đức do bà Trần Uyên Phương đứng tên. Việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản của Bộ Công an được thực hiện sau khi nhận được tố cáo của nhiều cá nhân và doanh nghiệp cho rằng, gia tộc Trần Quý Thanh đã cho họ vay tiền với lãi suất cao.