Những cha mẹ có con lớn lên thành đạt đều 'gặp nhau' ở 8 quy tắc khi dạy dỗ

05/03/2024, 06:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không phải tự dưng mà trẻ nên người. Các nhà tâm lý phát hiện ra phần nhiều trẻ thành đạt có sự đóng góp của cha mẹ.

Và đây là điểm chung của các bậc cha mẹ đó.

1. Cùng con học tập

Nhiều cha mẹ có con trở thành những nhân vật xuất chúng đều có một vài quan điểm chung trong việc nuôi dạy. Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ có con trở thành những nhân vật xuất chúng đều có một vài quan điểm chung trong việc nuôi dạy. Ảnh minh họa

Trong khi cha mẹ xem điện thoại, chơi game, con cái lại bị yêu cầu phải ngồi vào bàn học nghiêm túc, thử hỏi những đứa trẻ có thể tập trung vào việc học được không? Điều nguy cấp hơn cả là những đứa trẻ sau đó sẽ nhanh chóng bắt chước thói quen xem điện thoại giống cha mẹ chúng và có thể "nghiện" điện thoại bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, thật tốt khi cha mẹ có thể ngồi vào bàn cùng con học, cùng con giải quyết các bài tập trên lớp và cha mẹ sẽ hướng dẫn, truyền tải thêm những kiến thức khác. Con trẻ rất dễ bắt chước hành động của người lớn. Vì thế, nếu cha mẹ đọc sách, con trẻ cũng thấy thế mà hứng thú với việc đọc. Dần dần, không khí học tập sẽ bao trùm lên cả nhà, con trẻ cũng có nhiều động lực để tự học tập, khám phá thế giới xung quanh.

2. Cho con làm việc nhà

Nhiều bậc cha mẹ vì quá yêu thương, chiều chuộng con mà nhận làm hết mọi việc nhà, không nỡ để con phải vất vả. Thực tế, đây không phải yêu thương mà đang dạy hư, khiến con ỷ lại vào người khác. Không chỉ vậy, bố mẹ còn đang tước đi khả năng học hỏi các kỹ năng sống của con.

Bà Julie Lythcott-Haims, chuyên gia từ Đại học Standford và là tác giả cuốn "How to Raise an Adult" (Tạm dịch: Làm thế nào để nuôi dạy một người trưởng thành) cho biết: "Nếu trẻ không rửa bát thì có nghĩa ai đó đang làm việc này hộ chúng. Khi đó, trẻ không chỉ được miễn trừ khỏi công việc mà còn không học được rằng: Phải làm việc và mỗi người phải góp sức mình vào sự thành công của tổng thể. Cho trẻ làm việc nhà là cách bố mẹ giúp trẻ nhận ra, mình sẽ phải làm việc như một phần của cuộc sống".

Bà Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ lớn lên cùng với làm việc nhà sẽ trở thành những nhân viên biết hợp tác sau này với đồng nghiệp, và biết thông cảm hơn, bởi chúng nhận ra khó khăn thực sự đằng sau mặt ngoài vấn đề.

3. Tạo cho trẻ tính độc lập

Cha mẹ của những đứa trẻ lớn lên thành đạt có nhiều khả năng để con mình tự vấp ngã, thất bại và học cách bay lên. Ảnh minh họa

Cha mẹ của những đứa trẻ lớn lên thành đạt có nhiều khả năng để con mình tự vấp ngã, thất bại và học cách bay lên. Ảnh minh họa

Hai chị em Susan và Anne Wojcicki đều là những phụ nữ giỏi giang. Susan là giám đốc tiếp thị đầu tiên của Google, sau đó trở thành giám đốc điều hành của công ty vào năm 2014. Anne đồng sáng lập 23andMe, một công ty công nghệ sinh học và gen.

Bà Esther, mẹ của họ, cho rằng điều làm nên thành công của hai con là tính tự lập. Bà chia sẻ với tờ CNBC: "Tôi đã cho các con cơ hội tự lập từ rất sớm. Tôi sinh ba con trong bốn năm, không có ai hỗ trợ, vì thế, tôi buộc con phải tự lập làm việc, trong một số trường hợp cần thiết".

Bà cho biết thêm, khi con 5 tuổi đã tự đi máy bay một mình với bảng tên quanh cổ để thăm bà ngoại ở Los Angeles. Ngoài ra, bà cho con làm việc nhà để trẻ có trách nhiệm và phát triển sự tự tin.

4. Dạy con kỹ năng xã hội

Những kỹ năng từ khi trẻ còn ở tuổi mẫu giáo như giúp đỡ người khác, chia sẻ, đồng cảm, tự giải quyết vấn đề... giúp trẻ thành công khi trưởng thành. Đây là kết quả một nghiên cứu kéo dài 20 năm của các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke, theo dõi hơn 700 trẻ từ tuổi nhà trẻ đến tuổi 25.

Những người thiếu các kỹ năng xã hội trên cũng có tỷ lệ cao hơn bị bắt, chìm trong nghiện ngập, phải sống nhờ trợ cấp...

"Nghiên cứu này cho thấy giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng tình cảm là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho một tương lai mạnh mẽ của trẻ", Kristin Schubert, giám đốc chương trình của quỹ Robert Wood Johnson - quỹ tài trợ cho nghiên cứu trên, cho biết.

"Từ rất sớm, các kỹ năng này có thể quyết định một đứa trẻ có thể vào đại học hay đi tù, rằng chúng sẽ được tuyển dụng hay trở nên nghiện ngập".

5. Kỳ vọng vào con cái

Đối với con cái, chúng sẽ có xu hướng đáp ứng mong đợi của cha mẹ. Vì vậy, hãy mạnh dạn nói ra những điều bạn kỳ vọng ở con cái. Ảnh minh họa

Đối với con cái, chúng sẽ có xu hướng đáp ứng mong đợi của cha mẹ. Vì vậy, hãy mạnh dạn nói ra những điều bạn kỳ vọng ở con cái. Ảnh minh họa

Sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát 6.600 trẻ em sinh năm 2001, nghiên cứu của Đại học Y khoa UCLA nhận thấy rằng những gì cha mẹ mong đợi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành tích của con cái họ: "Các bậc cha mẹ có mục tiêu rõ ràng cho tương lai học đại học của con mình sẽ hướng con mình đến mục tiêu đó, bất kể tài sản và thu nhập như thế nào".

Đối với con cái, chúng sẽ có xu hướng đáp ứng mong đợi của cha mẹ. Vì vậy, hãy mạnh dạn nói ra những điều bạn kỳ vọng ở con cái. Nhưng lưu ý, kỳ vọng sẽ có những hậu quả tiêu cực nếu đứa trẻ không sinh ra với những tố chất phù hợp, đủ để hoàn thành những điều cha mẹ mong chờ. Hoặc đơn giản hơn, khi kỳ vọng của cha mẹ không phải là mong muốn của con. Kỳ vọng phải phù hợp với năng lực và nhu cầu của con cái.

6. Ít quát mắng con

Con trẻ chưa hiểu chuyện nên nghịch ngợm, trêu đùa chúng bạn là chuyện bình thường nhưng người lớn chưa hiểu chuyện mà đã vội quát mắng, trách cứ bọn nhỏ chưa chắc đã là người thấu hiểu. Nếu các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian để trò chuyện và hiểu con hơn thì chắc chắn những đứa trẻ sẽ không khiến cha mẹ phải phiền lòng.

Hành động quát mắng hay đánh con trẻ khi chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện của cha mẹ có thể gây áp lực tâm lý cho trẻ, thậm chí khiến chúng cảm thấy sợ hãi và trở nên hèn nhát. Bởi vậy mới nói, đòn roi không thể giải quyết được vấn đề mà hơn hết, con cái cần sự thấu hiểu, sẻ chia của cha mẹ.

7. Dạy con các kỹ năng tính toán từ sớm

Những đứa trẻ được dạy năng tính toán từ sớm phát triển tư duy tốt hơn so với những trẻ còn lại. Ảnh minh họa

Những đứa trẻ được dạy năng tính toán từ sớm phát triển tư duy tốt hơn so với những trẻ còn lại. Ảnh minh họa

Nhà kinh tế học nổi tiếng, đồng thời là giáo sư tại đại học California, Greg Duncan đã thực hiện một nghiên cứu dựa trên 35.000 trẻ trên khắp nước Mỹ, Canada và Anh. Mục đích nghiên cứu nhằm chỉ ra lợi ích của việc trẻ được học các kỹ năng tính toán từ sớm. Các kỹ năng bao gồm việc biết các con số, thứ tự số, các khái niệm về toán.

Theo đó, những đứa trẻ được dạy năng tính toán từ sớm phát triển tư duy tốt hơn so với những trẻ còn lại. "Kỹ năng toán học từ sớm không chỉ dự báo về kết quả học toán về sau mà còn dự báo tương lai thành đạt của trẻ", Greg Duncan cho biết.

8. Sẵn lòng chấp nhận thất bại

Nia Batts, người đồng sáng lập Detroit Blows - một dịch vụ làm đẹp và chăm sóc tóc nổi tiếng tại Mỹ, cho biết bố của cô luôn dạy con sẵn lòng chấp nhận thất bại. Cô kể: "Tôi nhớ bố thường hỏi: Hôm nay con thất bại gì? Tôi nghĩ bố mẹ muốn tôi học được những bài học từ những thất bại đó. Bố dạy tôi, trong nỗi đau lòng là món quà, trong thất bại là cơ hội".

Bài liên quan
Nữ diễn viên Việt lấy chồng danh hài, giờ là "phú bà" đứng tên loạt tài sản khủng, lại được khen dạy con cực khéo
Nữ diễn viên cho biết, không bao giờ có chuyện xích mích trong việc nuôi dạy con giữa hai vợ chồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cha mẹ có con lớn lên thành đạt đều 'gặp nhau' ở 8 quy tắc khi dạy dỗ