Còn rất nhiều thầy, cô giáo nữa đang thầm lặng cống hiến, không phải vì tên tuổi được nêu gương mà là “tất cả vì học sinh thân yêu”.
- Là Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ông có kiến nghị gì để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo?
- Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương, điều kiện sinh hoạt, làm việc của các thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa.
Trước hết, về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi phải thực sự là động lực thu hút giáo viên tình nguyện lên công tác ở vùng khó khăn; đủ để đảm bảo cuộc sống, chăm lo cho con cái, giúp họ yên tâm công tác.
Về phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người dân tộc thiểu số. Đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, dân tộc.
Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên - cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Hình thức tuyển dụng giáo viên cần linh hoạt, có ưu tiên hợp lý đối với giáo viên là người địa phương, dân tộc thiểu số;
Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung và qua mạng. Phát triển mô hình “Trường giúp trường, phòng giúp phòng” giữa các địa phương thuận lợi với nơi vùng sâu, vùng xa để kịp thời hỗ trợ, động viên, chia sẻ đối với đội ngũ giáo viên.
Về cơ sở vật chất, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư Chương trình kiên cố hóa trường học; đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Quan tâm xây dựng nhà công vụ, công trình nước sạch, công trình vệ sinh… để giáo viên có cuộc sống ổn định, đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Các địa phương nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đất sạch cho giáo viên làm nhà ở, gắn bó lâu dài với địa phương.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến chính sách tôn vinh, khen thưởng, ghi nhận những cống hiến của nhà giáo công tác ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn; kịp thời biểu dương, ghi nhận và lan tỏa các tấm gương sáng của nhà giáo trong việc phát triển giáo dục miền núi, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, cần sự chung tay, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; khắc phục tình trạng “trăm sự nhờ thầy, cô”.
Chính quyền địa phương theo thẩm quyền và điều kiện kinh tế - xã hội có thể ban hành các chính sách riêng để thu hút, chăm lo đội ngũ giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành, trong số hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước, có gần 400 nghìn thầy/cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Trong đó, có hơn 70 nghìn giáo viên mầm non, trên 96 nghìn giáo viên tiểu học; đặc biệt có hơn 93 nghìn giáo viên đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, ông Vũ Minh Đức thông tin.