Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, lần theo danh sách báo cáo của Phòng tư pháp huyện Đơn Dương, trong năm 2022 và quý I/2023 trên địa bàn huyện này có hơn 200 đứa trẻ đăng ký khai sinh nhưng đều không xác định được cha. Đặc biệt, xã Tu Tra có đến 44 đứa trẻ, trong đó nhiều trường hợp là sản phẩm của tình trạng tảo hôn, một số ít do hôn nhân cận huyết thống nhưng không được báo cáo lên thôn, chính quyền địa phương.
Theo ông K’Bril (SN 1988, dân tộc K’ho), trưởng thôn Kambutte (xã Tu Tra), địa phương hiện đang là thôn duy nhất không xảy ra trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cũng theo ông K’Bril, trong thời gian qua, ông quan sát và nhận thấy thôn Đa Hoa (xã Tu Tra) có hơn một nửa số dân trong thôn lấy nhau cận huyết thống. Tuy nhiên, những trường hợp này không được dòng tộc tiết lộ, che giấu chính quyền địa phương.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi liên lạc với ông Hawen (SN 1965), trưởng thôn Đa Hoa. Ông Hawen một mực khẳng định, thực tế tại địa bàn thôn vẫn xảy ra một số trường hợp đôi trai gái đám cưới khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Do họ đi làm xa, thôn không nắm hết được. Nhưng hôn nhân cận huyết thống, ông Hawen cho biết từ lâu đã không còn tái diễn trong thôn.
Bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra nhìn nhận, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở thời điểm hiện tại đời sống bà con đã phát triển và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, với một xã vùng sâu vùng xa như Tu Tra, những hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại. Ngay khi nắm được các trường hợp tảo hôn trên địa bàn, xã đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể xuống tận nơi làm việc với các dòng họ, dòng tộc các gia đình. Tuy nhiên, ngoài những gia đình chấp hành tốt theo tuyên truyền, vẫn còn một số trường hợp tảo hôn xảy ra không được người dân báo cáo lên chính quyền nên không thể nắm hết. Chẳng hạn, có trường hợp khi phát hiện các em đã mang thai, nếu để công an vào cuộc, vì tâm lý sợ hãi các em sẽ đi phá thai, đôi khi nhà nước vẫn xử lý các vi phạm theo phương diện tình cảm, không dứt khoát được.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết, hiện nay các mạng xã hội như Zalo, facebook, ứng dụng hẹn hò… rất phát triển. Đây là cơ hội cho các trẻ em gái trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và nắm bắt thông tin mới, áp dụng cho đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức đối với các em mới bước vào tuổi dậy thì, muốn khám phá, yêu đương trên mạng… Tuổi trẻ còn nhiều bồng bột, nghe lời ngon ngọt…dễ dính cạm bẫy, ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai của các em.
Đáng nói, theo bà Hà, có một nghịch lý, công tác tuyên truyền liên tục được thực hiện, phổ biến rộng khắp trên địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số đa phần đã tiếp cận những kiến thức về độ tuổi được phép kết hôn, sinh con. Nhưng những thông tin thiết thực, bổ ích đó không thấm, không ngấm được trong nhận thức của họ bằng qua các trang mạng xã hội. Thế nên, tình trạng kết hôn sớm khi đang trong độ tuổi vị thành niên lại có nguy cơ tăng cao và ngày càng khó kiểm soát.
(Còn nữa)
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên123