Những điểm mới cần lưu ý về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Khánh Nguyễn (t/h), | 07/03/2024, 11:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong học tập, ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố cấu trúc định dạng đề thi mới.

Đảm bảo dạy học thực chất

Đối với các môn thi trắc nghiệm, trong định dạng đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng - sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng - sai đối với từng ý của câu hỏi; câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn, gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên chương trình môn Vật lý nhận định: Những đổi mới trong định dạng đề thi trắc nghiệm sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể sự phát triển của giáo dục.

Do tính đặc thù nên kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ở nước ta đang sử dụng hình thức đánh giá là trắc nghiệm khách quan, trừ môn Ngữ văn. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, bài thi trên giấy không thể đánh giá được tất cả các năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục. Ví dụ, đối với các môn ngoại ngữ, trong bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thì bài thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chỉ có thể tập trung vào đánh giá kĩ năng đọc hiểu các loại văn bản, các kĩ năng về từ ngữ, ngữ pháp.

Vì vậy, từ năm 2025, nhằm đánh giá tốt hơn năng lực người học, giảm xác suất đoán mò ở các câu hỏi thi, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có sự thay đổi về định dạng câu hỏi thi. Ngoài dạng câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn quen thuộc, có thêm dạng câu trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn.

Từ những đổi mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh lưu ý: Để đảm bảo chất lượng giáo dục, việc dạy học ở các nhà trường phải đảm bảo sao cho học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực được quy định ở Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Dạy và học phải thực chất, dạy học không chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã học.

Để đánh giá được năng lực của học sinh, giáo viên phải thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng các dạng thức mới về câu hỏi thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, kết hợp với các hình thức đánh giá khác.

Đối với câu trắc nghiệm đúng – sai, đây không đơn thuần là dạng câu hỏi đúng – sai truyền thống, trong đó thí sinh phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là đúng hay sai. Trong định dạng mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi câu hỏi loại này gồm bốn lệnh hỏi. Bốn lệnh hỏi này tạo thành một câu hỏi thi nhằm đánh giá toàn diện hơn một vấn đề bao gồm bốn ý có mức độ tư duy tăng dần.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: Khi xây dựng câu hỏi dạng này, giáo viên cần nhận thức rõ các biểu hiện của năng lực hoặc thành phần năng lực mình muốn đánh giá thông qua việc khai thác một nội dung hoặc kết hợp nhiều nội dung; nên hỏi về một vấn đề hoàn chỉnh theo mức độ tăng dần của cấp độ tư duy.

Đối với câu trắc nghiệm trả lời ngắn, đòi hỏi trả lời bằng kí tự số. Hơn thế nữa, thí sinh chỉ được phép trả lời trong giới hạn 4 kí tự và không được viết dưới dạng phân số. Do đó, khi xây dựng câu hỏi thi, giáo viên cần lựa chọn các nội dung sao cho có thể tạo được các câu hỏi với đáp số thỏa mãn các yêu cầu này.

Chống học thuộc lòng, chép văn mẫu

Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn chia sẻ: Đổi mới lớn nhất trong định dạng, cấu trúc đề thi là yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận văn học với ngữ liệu mới. Mục đích của việc đổi mới này là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng, chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực... Từ đó, đánh giá được năng lực viết của học sinh công bằng, khách quan hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống lưu ý, giáo viên cần dạy cho học sinh biết cách viết đoạn, bài nghị luận văn học một cách thuần thục.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp Trung học Phổ thông, yêu cầu viết nghị luận văn học tập trung vào kiểu bài phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học (lớp 10); lớp 11 mở rộng ra viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng; lớp 12 tập trung chủ yếu vào kiểu bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học.

Những điểm mới cần lưu ý về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - Ảnh 1.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh hoạ.

Như vậy, kiểu bài so sánh 2 tác phẩm ở lớp 12 sẽ là một trọng tâm của yêu cầu viết. Tuy nhiên, trong rèn luyện và kiểm tra, đánh giá, học sinh vẫn phải làm kiểu bài phân tích, đánh giá tác phẩm văn học gắn với các thể loại được học.

Khi dạy cho học sinh cách viết, giáo viên nên tập cho các em viết đoạn theo 3 phần (dạng tổng phân hợp). Đấy không chỉ là luyện cách viết mà còn rèn luyện tư duy rõ ràng, khúc triết.

5.000 học sinh đã thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi

Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh. Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS) tại đợt tập huấn toàn quốc cho hơn 3500 cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc 63 Sở GDĐT và 12 cơ sở giáo dục đại học từ 11-17/12/2023.

Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ GDĐT đã mời các chuyên gia (là tác giả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm) làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa để công bố.

Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Theo đó, người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.

Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).

Tại thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng

Theo phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ GDĐT), môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.

Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi:

Dạng thức 1: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam). Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này. Các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.

Dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.

Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Hai dạng thức trắc nghiệm mới qua thử nghiệm thực tế cho thấy phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Thay đổi số lượng câu hỏi/lệnh hỏi môn thi trắc nghiệm

Theo cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi của mỗi môn: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; các môn học khác 50 phút.

Số lượng lệnh hỏi của mỗi đề thi trắc nghiệm cụ thể như sau:

Những điểm mới cần lưu ý về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - Ảnh 2.

Để bảo đảm phù hợp với mục đích yêu cầu của kỳ thi, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi cho mỗi đề thi cũng như một số vấn đề liên quan có thể được điều chỉnh khi xây dựng đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm mới cần lưu ý về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025