Vào tháng 4, Sudan - một quốc gia Đông Phi rộng lớn, rơi vào nội chiến, theo AP.
Nguyên nhân nội chiến bắt nguồn từ việc mâu thuẫn giữa Tướng Abdel-Fattah Burhan của quân đội Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo của Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) ngày càng lớn liên quan việc phân chia quyền lực dẫn đến bùng phát giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF.
Trước đó, hồi tháng 10-2021, Tướng Abdel-Fattah Burhan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo đã cùng tiến hành một cuộc đảo chính quân sự để lật đổ chính phủ chuyển tiếp do phương Tây hậu thuẫn.
Tính đến nay, các cuộc giao tranh giữa hai bên đã khiến 9.000 người thiệt mạng và nhiều nước phải sơ tán công dân khỏi Sundan.
Bên cạnh đó, làn sóng đảo chính quân sự tiếp tục lan rộng khắp châu Phi. Vào tháng 7, tại Niger (một quốc gia Tây Phi), quân đội nổi dậy lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum và bắt giam ông này.
Chỉ một tháng sau đó, quân đội Gabon (một nước Trung Phi) cũng tuyên bố lên nắm quyền ở nước này sau khi lật đổ Tổng thống đương nhiệm Ali Bongo, chỉ vài giờ sau khi ông Bongo giành được nhiệm kỳ thứ ba.
Cuộc chiến với ma túy ở Mỹ Latinh
Bạo lực giữa các băng đảng bán ma túy tiếp tục bùng phát khắp các vùng của Mexico khi các băng đảng này tranh giành lãnh thổ và tuyến đường cung cấp ma túy vào Mỹ.
Hồi tháng 9, một vụ thanh trừng giữa các băng đảng khiến 12 người chết tại nhiều địa điểm khác nhau ở TP Monterrey (Mexico), làm người dân vô cùng lo sợ.
Đáng ngại hơn nữa, bạo lực có liên quan ma túy đã gia tăng ở các quốc gia Trung Mỹ khác, như Honduras và thậm chí ở Costa Rica - một quốc gia từng rất yên bình. Theo AP, Costa Rica hiện tại được cho là điểm lưu trữ và trung chuyển ma túy lớn đến châu Âu.
Ngoài ra, Colombia cũng vừa ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại về sản lượng lá coca - nguyên liệu thô để sản xuất một số loại ma túy.
Bế tắc ở một số nơi khác
Tại Đông Nam Á, Myanmar những tháng vừa qua chứng kiến các cuộc giao tranh giữa chính quyền quân sự và các nhóm sắc tộc thiểu số khiến hàng trăm nghìn dân thường phải di dời.
Afghanistan, 2 năm sau khi phong trào Hồi giáo Taliban lật đổ chính quyền do phương Tây hậu thuẫn, đang phải đối mặt với số lượng cuộc tấn công ngày càng tăng từ các chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong khi đó, tại Yemen, dù giao tranh giữa phong trào Hồi giáo vũ trang Houthis và liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu (ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen) đã lắng xuống đáng kể trong năm 2023, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Những tuần gần đây, các chiến binh Houthis bắt đầu đẩy mạnh trở lại các cuộc tấn công.