Các lưu ý cần thiết
Những đối tượng nên tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa là: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Phụ nữ mang thai. Người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Người mắc các bệnh lý mạn tính như: hen, viêm phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc HIV/AIDS, suy thận.
Những trường hợp không nên chủng ngừa cúm: Bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Bé từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin cúm trong quá khứ. Nếu con bị dị ứng với trứng hoặc bạn nghi ngờ về điều này, hãy báo cho bác sĩ bởi loại vắc-xin này được nuôi trong trứng gà và có thể chứa đặc tính của protein trứng. Tuy nhiên, bé vẫn có thể chủng ngừa cúm nếu chỉ bị phát ban khi tiếp xúc với trứng. Nếu bé không khỏe hoặc bị sốt, bạn phải báo cho bác sĩ biết trước khi tiêm.
Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin cúm
Phản ứng phụ thường gặp nhất của vắc-xin chủng ngừa cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau ở chỗ được tiêm. Trẻ em, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm virus cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Những triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 ngày. Các phản ứng dị ứng rất hiếm hoi nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ loại vắc-xin nào. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách nhận biết xem con bạn có gặp bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào không.
Tiêm vắc-xin cúm khi mang thai có giúp ích cho thai nhi?
Tiêm vắc-xin cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả bạn và thai nhi. Mặt khác, em bé sau sinh không thể chủng ngừa cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Khi bạn thực hiện tiêm phòng cúm khi mang thai, các kháng thể được tạo ra trong cơ thể của mẹ sẽ được truyền sang thai nhi. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm cho đến khi trẻ có thể chủng ngừa cúm lần đầu tiên khi được 6 tháng tuổi.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Triệu chứng và điều trị cúm A