Hoàng Thanh Trúc đã có kinh nghiệm 3 lần tự lái xe máy về Bắc Quang (Hà Giang) chia sẻ: “Là con gái, sức khoẻ không được như các anh cùng đi nên năm nào em cũng đi với đoàn, đi vài lần rồi cũng quen. Đường xa cộng với tự lái xe suốt hành trình nên em cũng hay buồn ngủ, những lúc như vậy nghĩ đến vài tiếng nữa sẽ được về nhà, được gặp bố mẹ em càng phải lái xe cẩn thận hơn”.
Là người nhiều kinh nghiệm, hàng năm cứ cận Tết anh Lô Văn Thiên được tin tưởng giao nhiệm vụ trưởng đoàn của chuyến hành trình hơn 500km
Dưới cái lạnh căm căm, các bạn trẻ đều mặc áo mưa để tránh những cơn gió cắt da cắt thịt.
Tuy chỉ phải vượt quãng đường hơn 200km về Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) nhưng chị Thuỷ và bạn đồng hành đều phải trang bị giữ ấm rất đầy đủ.
Chị Thuỷ cũng cho biết: “Tôi chọn về quê bằng xe máy cho chủ động thời gian, những năm trước gần Tết tôi cũng đi xe khách nhưng bị nhồi nhét quá chật chội nên 2 năm trở lại đây tôi tự lái xe máy cho thoải mái mà còn tiện chở đồ”.
Với những hành trình dài, có một người đồng hành ngồi sau khiến chuyến đi sẽ đỡ nhàm chán, không khí sẽ vui tươi hơn và dường như có cảm giác được rút ngắn hơn trong chuyến đi về quê ăn Tết.
Anh Tâm, chạy xe một mình từ Hà Nội về quê ở Nam Sách (Hải Dương), do đi một mình nên khi xe gặp sự cố, giữa đêm anh đành gọi người thân tới cứu trợ. “May là còn cách nhà một đoạn thì xe hết hơi, chứ mà ở xa thì không biết làm thế nào”, anh Tâm thở phào cười nói.
Hầu hết nhưng bạn trẻ dùng xe máy làm phương tiện về nhà đón Tết đều chọn thời gian di chuyển vào buổi đêm để tránh cảnh đường xá đông đúc ngày Tết./.