Những hiệu trưởng cả đời "cắm bản"

Bài và ảnh: Thế Lượng | 28/02/2022, 07:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ miền xuôi lên “cắm bản” vào đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước, nhiều thầy giáo đã gắn bó cả đời mình với giáo dục vùng biên tỉnh Thanh Hoá.

Trích lương mua sách vở cho học trò

Cũng như thầy Xuân, thầy Trần Văn Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh lên nhận công tác từ năm 1989. Quê thầy Liêm ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngày lên Mường Lát, thầy Liêm không nghĩ rằng mình lại có thể ở trên vùng khó khăn này lâu dài như vậy.

“Thực tình, ngày lên nhận công tác, mình cũng không nghĩ rằng “cắm chốt” ở vùng đất này cho tới lúc về hưu. Thế nhưng, trong những năm gắn bó với nghề, thật lòng không muốn rời xa mảnh đất và con người nơi đây. Có thể, lòng yêu nghề và tình yêu thương lũ trẻ, mà mình không thể dứt bỏ. Bởi, mỗi lần lên lớp, nhìn thấy những học trò nghèo khổ, nhưng rất ngoan hiền, chăm chỉ học tập là mình không muốn rời xa chúng”, thầy Liêm bộc bạch.

Còn nhớ, hồi cuối tháng 8/2018, khi Mường Lát bị trận lũ lịch sử tràn qua, cuốn trôi vô số nhà cửa, tài sản của người dân, trong đó xã Mường Chanh bị cô lập với bên ngoài nhiều ngày trời. Các trường học ở Mường Chanh phải khai giảng muộn hơn sau nhiều ngày. Để có được ngày khai giảng, thầy Liêm và các thầy, cô giáo nhà trường đã phải băng rừng, lội suối đến các bản làng để vận động học sinh ra lớp.

Lúc bấy giờ, có học sinh của trường bị mất người thân do nước lũ cuốn trôi, thầy hiệu trưởng đã lội bộ đến tận nhà, động viên em cố gắng ra lớp học. Rồi thầy trích lương của mình để mua sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh ấy và nhiều em khác, với mong muốn các em vượt qua khó khăn mà không bỏ học giữa chừng.

Bà Vi Thị Chiềng (49 tuổi), ở bản Na Hin, xã Mường Chanh, cho biết, cái ngày chồng bà và nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi, mấy đứa con của bà đang đi học cũng không còn quần áo, sách vở. Sau khi lũ tràn qua, con trai bà đã định bỏ học. Rất may, có thầy Liêm và các thầy, cô trong trường đến động viên, nên cháu quyết tâm đến trường.

“Không riêng gì gia đình tôi, mà ở cái xã này, nhiều gia đình khó khăn lắm. Thế nhưng, thầy Liêm và các thầy, cô trong trường đã đến nhà động viên, vận động các cháu cố gắng ra lớp học. Cũng may là các cháu rất nghe lời thầy giáo, nên chúng đã không bỏ học giữa chừng. Bà con dân bản luôn coi thầy Liêm và các thầy, cô giáo như người thân, chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của các thầy”, bà Chiềng bày tỏ.

Sau những ngày mưa lũ, bằng tất cả tình yêu thương học trò, thầy Liêm cùng giáo viên nhà trường đã lặn lội đi vận động học sinh đến trường. Điều đáng ghi nhận là dù đang đối mặt với bao khó khăn, nhưng được sự động viên, khích lệ của thầy hiệu trưởng cùng giáo viên nhà trường, các em đã đến lớp khá đầy đủ.

“Có nhiều gia đình vốn là hộ nghèo lại còn bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản nên vô cùng bi đát. Có học sinh bị mất cha hoặc mất mẹ, nhà cửa cũng không còn nên đối mặt với việc bỏ học giữa chừng. Vì thế, mình phải cố gắng động viên, chia sẻ khó khăn với bà con và học sinh của trường. Những lúc như vậy, nếu mình và các thầy, cô không động viên, chia sẻ thì học sinh sẽ bỏ học là điều không tránh khỏi”, thầy Liêm chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Văn Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát, có vợ con, gia đình ở huyện ven biển Nga Sơn. Năm 1990, thầy Giang được cấp trên điều động lên Mường Lát dạy học. Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, thầy Giang vẫn không thể quên được những ngày đầu lên biên giới với vô vàn gian truân.

“Nhà mình cách thị trấn Mường Lát hơn 300km. Vì thế, những năm đầu lên đây công tác, có những chuyến về thăm gia đình, phải đi mất 2 ngày mới tới nhà. Hồi ấy, làm gì có điện thoại để liên lạc với gia đình, nên mỗi khi về thăm nhà, mẹ mình lại khóc sướt mướt vì thương con. Cũng đã có những lúc mình định xin chuyển nghề, nhưng rồi không thể. Bởi vì, cứ nhìn thấy các cháu nhỏ muốn học, là mình quên hết mọi khó khăn, vất vả và chỉ dồn sức dạy chữ cho chúng mà thôi”, thầy Giang tâm sự.

Giờ đây, những thầy hiệu trưởng như Hoàng Sỹ Xuân, Nguyễn Văn Giang đã bước qua tuổi 50, nhưng các thầy vẫn ở nhà công vụ tại trường, gác lại chuyện gia đình, vợ con, người thân ở quê để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Trong sâu thẳm của họ, những thầy hiệu trưởng ấy vẫn hàng ngày chăm lo cho thế hệ trẻ vùng biên và luôn coi lớp lớp học trò nơi rẻo cao như những đứa con của mình.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nhung-thay-hieu-truong-gan-bo-voi-vung-cao-thanh-hoa-0QUNHCB7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nhung-thay-hieu-truong-gan-bo-voi-vung-cao-thanh-hoa-0QUNHCB7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những hiệu trưởng cả đời "cắm bản"