Những hoạt động cản bước quá trình đổi mới

31/03/2024, 08:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bất cứ ngành nghề nào, nhất là trong lĩnh vực giáo dục muốn có sự sáng tạo và phát triển cần tránh các hoạt động mang tính khuôn mẫu, hình thức.

Để có các kế hoạch vừa mang tính kế thừa, phát huy những công việc, hoạt động có kết quả tốt từ năm trước vừa phải có tính thay đổi đột phá trong năm thực hiện, các bộ phận lập kế hoạch phải họp bàn từ trước năm học mới.

Cụ thể, người đứng đầu là hiệu trưởng phải chủ trì các cuộc họp để rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế của các hoạt động giáo dục trong năm học trước và thảo luận thống nhất đưa vào một số hoạt động giáo dục mới. Nội dung kế hoạch từ đó sẽ không bị lặp lại, tạo ra sự hứng khởi cho đối tượng giáo dục là học trò.

Kế hoạch khuôn mẫu và lặp lại ở nhiều năm học là biểu hiện của sự trì trệ, tính giáo điều nên sẽ ngăn cản quá trình đổi mới giáo dục. Kế hoạch khuôn mẫu cũng là biểu hiện của những cá nhân không dám hoặc không có khả năng sáng tạo trong tổ chức điều hành cũng như thực thi quản lý các hoạt động giáo dục. Bởi vậy, lựa chọn những bộ óc quản lý thông thái là đòi hỏi cấp thiết.

Nhiều phương pháp giảng dạy mới được giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) áp dụng trong Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN
Nhiều phương pháp giảng dạy mới được giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) áp dụng trong Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN

Loại bỏ triệt để căn bệnh hình thức

Trong trường học, các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Công đoàn… thường gắn hoạt động theo các phong trào phát động từ trên xuống. Hoạt động phong trào là cần thiết để khích lệ, động viên cũng như uốn nắn học sinh, đoàn viên và người lao động.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động phong trào lại chỉ mang tính hình thức theo các sự kiện trong một năm học như ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ… Do vậy, các hoạt động này nhiều khi lại đem đến sự mỏi mệt, quá tải cho người tham gia.

Thực tế nữa là, trong các cơ quan Nhà nước nói chung và trường học nói riêng vẫn còn người đứng đầu mang tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân. Bệnh hình thức lại bắt nguồn từ chủ nghĩa này - chỉ mưu lợi cho cá nhân và đồng bọn. Nó có thể làm suy yếu xã hội, gây ra nguy cơ cho một đơn vị, cộng đồng, thậm chí quốc gia.

Bởi như Bác Hồ từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Như vậy, trường học nào còn sự tồn tại của người đứng đầu mang biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân thì sẽ còn căn bệnh hình thức.

Hiệu trưởng vì muốn đạt các danh hiệu cho đơn vị, cho cá nhân nên cũng chạy đua với cuộc chiến mang tên “hình thức”. Nhiều khi người đứng đầu nhìn thấy rõ hệ quả nghiêm trọng của cuộc chạy đua này như hao tổn tài chính, ảnh hưởng đến thời gian của giáo viên, nhân viên… nhưng không thể dừng lại.

Bởi lẽ, nhiều văn bản, bộ quy chuẩn của trường học là mục tiêu để hướng tới. Chẳng hạn khi thí điểm áp dụng quản lý chất lượng trường THPT theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT, một số tiêu chí còn chưa rõ, khó hiểu hoặc không thể thực hiện được như: Có đủ phòng học để tổ chức học nhiều nhất 2 ca/ngày, mỗi ca không quá 45 học sinh/lớp.

Thực tế với chương trình hiện nay, số học sinh không đồng đều ở môn học tự chọn nên việc sắp xếp như quy định không thể thực hiện được. Cùng đó, các quy định về diện tích mặt bằng của nhà trường đạt ít nhất 6 m2/học sinh trở lên (đối với nội thành, nội thị) và 10 m2/học sinh trở lên (đối với các vùng còn lại) không phải trường học nào cũng thực hiện được. Những bất cập này là nguyên nhân làm nảy sinh căn bệnh hình thức trong môi trường học đường.

Trường học hiện đại luôn phải lấy sự đổi mới làm nền tảng để phát triển lâu bền. Trong sự đổi mới thì khuôn mẫu máy móc và “bệnh hình thức” luôn là hai thách thức cản bước con đường đi đến thành công. Bởi vậy, chúng ta cần quyết liệt loại bỏ những tồn tại từ lâu trong ngành Giáo dục. Từ đó, cuộc cải cách giáo dục căn bản toàn diện mới nhìn thấy ngọn cờ thành công.

Giáo dục của nước ta đã và đang bước vào thời kỳ đổi mới mang tính bước ngoặt. Chưa bao giờ giáo dục được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và chỉ đạo quyết liệt như giai đoạn hiện nay. Và đứng trước bất kỳ sự đổi mới nào là sự hiện diện của những điều mới mẻ - đối lập, nhiều khi là gay gắt với cái cũ nên đó là thách thức cho đội ngũ cán bộ quản lý cũng như các thầy cô đang đứng lớp.

Nhìn thẳng vào sự thật, giáo dục của nước ta trong những tháng ngày dài vẫn đang còn tồn tại hai “căn bệnh” nguy hiểm là khuôn mẫu và hình thức. Đã đến lúc, chúng ta phải dũng cảm chiến đấu không khoan nhượng với nó…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-hoat-dong-can-buoc-qua-trinh-doi-moi-post677356.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-hoat-dong-can-buoc-qua-trinh-doi-moi-post677356.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những hoạt động cản bước quá trình đổi mới