Văn hóa

Những kiêng kị trong ngày Tết cổ truyền

Hà Thuỷ (t/h) {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Theo phong tục dân gian, có những việc được cho là cấm kị đối với ngày Tết cổ truyền. Nếu mong muốn gặp may mắn, suôn sẻ cả năm, tốt nhất nên ghi nhớ những điều này.

kieng-ki-ngay-tet.jpg
Những kiêng kị đối với Tết cổ truyền

Kỵ tang ma

Nhà nào có tang ma trong vòng 3 năm trở lại thì qua năm mới, không được đi xông nhà cho nhà khác. Nhiều người cẩn thận cũng sẽ không đi chúc Tết gia đình khác. Tốt nhất là chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết.

Nếu không may có người mất vào ngày mùng 1, gia chủ sẽ phải đợi đến sáng mùng 2 mới phát tang.

Kỵ mặc quần áo trắng hoặc đen

Dân gian cho rằng màu trắng, màu đen là màu của tang ma nên không mặc những màu này vào ngày Tết. Ưu tiên sử dụng nhiều những màu đỏ, vàng, xanh... nhằm tạo không khí tươi mới, ngập tràn năng lượng tích cực, đón một năm mới hạnh phúc, vui vẻ.

Tuy nhiên, theo đời sống hiện đại, điểm này không còn được chú trọng nữa. Những trang phục đen trắng tinh tế cùng với những phụ kiện màu sắc rực rỡ cũng đã góp phần tạo cho người mặc sự sinh động, vui vẻ, hoà quyện cùng không khí chung của mùa xuân.

Kỵ quét nhà, đổ rác

Dân gian tin rằng việc quét nhà trong 3 ngày Tết đồng thời sẽ quét đi may mắn, tài lộc vừa đón được vào đầu năm. Do đó, các công việc quét dọn đều phải hoàn thành vào chiều 30 Tết. Nếu nhà bẩn, mọi người chỉ nhặt rác chứ không động đến chổi quét nhà.

Có gia đình sẽ vẫn quét nhà nhưng tấp rác vào một góc, chờ qua đủ 3 ngày Tết hoặc tới ngày hoá vàng tiễn đưa ông bà mới bắt đầu hốt rác đi đổ.

Ở Nam Bộ, nhiều người còn cho rằng khi đã quét sạch nhà cửa sẽ cất chổi. Nếu gia đình nào mất chổi trong những ngày Tết, cả năm đó sẽ bị trộm vào nhà trộm của cải.

kieng-ki-ngay-tet2.jpg
Kiêng kị đổ vỡ và quét nhà vào ngày Tết.

Kỵ cho nước, cho lửa

Nước và lửa tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, nhất là sáng mùng 1, không được để lửa trong nhà bị tắt hay nước bị cạn. Trong ngày mùng 1 tránh việc đi xin nước, xin lửa và cũng kiêng không cho nước, cho lửa. Nếu phạm phải điều này, tức là mất lộc trong nhà, tiền bạc làm ra cũng không giữ được. Thậm chí, gặp phải điều xui xẻo, tai ương.

Có sách ghi người xưa nhằm chiêu tài ngày đầu năm còn thuê người gánh nước vào sáng mùng 1 Tết để may mắn tìm đến gia chủ trong cả năm. Người gánh nước cũng được mừng tuổi hậu hĩnh, coi như được “mở hàng” cho năm mới.

Kỵ cãi vã, to tiếng

Vào những ngày Tết, mọi người thường giữ hoà khí, không tranh cãi, gắt gỏng để cả năm vui vẻ, hoà thuận, đoàn kết. Dù trẻ nhỏ phạm lỗi, người lớn cũng sẽ cho bỏ qua, không trách phạt. Những người đã có mâu thuẫn, xích mích từ trước cũng tránh va cạnh, gây bất hoà trong những ngày đầu năm.

Những cảm xúc tiêu cực, khóc lóc, buồn bực đến đầu năm. Nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố kiềm chế, không gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Kỵ vay mượn tiền bạc

Đầu năm mới, ai cũng mong cầu sự đầy đủ, hạnh phúc, niềm vui. Do đó, không nên vay mượn tiền bạc vào những ngày đầu năm mới. Bởi việc vay mượn báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến với người đó trong cả năm. Mọi người cũng sẽ tránh nhắc nợ nhau vào ngày đầu năm.

Kỵ động tới dao, kéo

Trong phong thuỷ, dao và kéo là những vật có tính sát thương lớn nên hạn chế động vào chúng trong ngày đầu năm, nhất là mùng 1 Tết. Trong trường hợp bạn muốn băm hay chặt đồ ăn, hãy làm trong đêm 30. Sáng mùng 1, bạn chỉ việc dọn đồ ăn cùng người thân. Các gia đình nên cất bớt dao kéo, chỉ nên để lại những cái cần dùng.

Kỵ đóng cửa nhà

Nếu đóng cửa nhà trong ngày mùng 1 Tết sẽ ngăn chặn những may mắn, vận khí vào gia đình của mình. Theo quan niệm của người Việt, mùng 1 là ngày đầu tiên khai lộc của năm. Do đó, gia chủ nên mở cửa ra đón những điều may mắn, sinh khí, tài lộc vào nhà.

Kỵ giặt quần áo

Theo quan niệm dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh thuỷ thần. Do đó, kiêng kỵ việc giặt quần áo để tránh mạo phạm thần thánh, dẫn đến xui xẻo. Ngày Tết, mọi người hay mặc quần áo mới với nhiều màu sắc rực rỡ để mong gặp nhiều may mắn, vui vẻ.

Kỵ đổ vỡ

Người Việt quan niệm, ngày Tết, không được gây đổ vỡ đồ dùng trong nhà vì điều này báo hiệu cho sự chia lìa, tan tác.

Ngoài ra, người xưa cũng kiêng sử dụng kim chỉ trong ngày đầu năm với quan niệm việc may vá khiến gia chủ vất vả, khổ sở, chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Nhiều người còn cho rằng, phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mùng 1 Tết sẽ gặp xui cho con.

Kỵ ăn thịt chó, vịt, chuối, trứng vịt lộn

Theo phong tục, người Việt kỵ ăn những món này cả những ngày đầu tháng âm lịch.

Người miền Nam nói tiếng “Chuối” là “chúi” mang ý “chúi rủi” - làm mọi việc thất bại, đi xuống hoặc cũng gây hiểu là trượt vỏ chuối nên người ta kiêng kỵ.

Dù người miền Bắc kiêng ăn trứng vịt lộn để tránh rủi nhưng người miền Nam lại coi món ăn này giải xui.

Kỵ xuất hành vào ngày mùng 5

Du xuân là một nếp phong tục của ngày Tết. Tuy nhiên, khi xuất hành, người dân sẽ chọn đi lễ để cầu may mắn. Để xuất hành đầu năm hanh thông mọi sự, người ta kỵ xuất hành trong ngày mùng 5 Tết.

Ca dao có câu: “Mồng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”. Đây là ngày Nguyệt kỵ. Các ngày này cộng lại đều bằng 5, dân gian thường gọi là ngày “nửa đời, nửa đoạn” nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.

Ngày nay, tuỳ theo bối cảnh và hoàn cảnh, những điều kỵ này sẽ được thực hiện cho phù hợp để ai cũng có một cái Tết ấm áp, ý nghĩa và đón nhận nhiều niềm vui trong năm mới.

Bài liên quan
Những  điều cần kiêng kị ngày Tết
Kiêng đi đám ma, kiêng quét nhà, đổ rác, kiêng cãi nhauu, làm vỡ đồ đạc hay ăn thịt chó, trứng vịt lộn... là những điều kiêng kị ngày Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kiêng kị trong ngày Tết cổ truyền