Những kỷ niệm của nữ sinh Ngữ văn - Đại học Sư phạm (khóa 1983-1987)

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Như một món nợ truyền kiếp, hay còn gọi là thú vui truyền đời: cứ ngày mai thi tốt nghiệp là đêm nay hai khoa Toán - Ngữ văn đối đầu ngôn ngữ.

ngu-van-33.1(1).jpg
Tập thể lớp Văn khoá 33

Cô chủ nhiệm dạy "phòng thân"

Ngày chia tay khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm, tôi được phát biểu cảm tưởng, đã phải dừng lại vài lần bởi nghẹn ngào, rưng rưng lệ. Vậy mà thấm thoắt đã 34 năm có lẻ.

Năm nay, kỷ niệm 70 năm Khoa Ngữ văn. Nhưng dịch chưa lắng xuống, Hà Nội đang giãn cách… Mái trường và Khoa Ngữ Văn, tôi tin, ai từng học nơi đây cũng nhớ rất nhiều.

Ngày ấy, Thầy Đỗ Hữu Châu làm chủ nhiệm khoa. Lớp tôi do cô Ngọc Diệu chủ nhiệm. Không thể quên những bước chân đầu tiên tại cầu thang nhà A7, chúng tôi bỡ ngỡ và vui sướng chừng nào.

Vinh dự khi được học ở mái trường yêu dấu. Khâm phục tài năng các thầy, cô và anh, chị những khóa học trước. Chúng tôi năm nhất, học say sưa và được đón nhận sự tận tụy của cô chủ nhiệm.

Có người cho rằng, Đại học thầy cô không quan tâm chuyện nền nếp. Không ai tỉ mỉ như giáo viên chủ nhiệm thời phổ thông.

Nhưng cô Diệu chủ nhiệm khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những đêm mất điện, cô mang dầu, đèn lên cho sinh viên thắp sáng. Cô còn ân cần dặn dò giúp sinh viên vơi nỗi nhớ nhà.

Đặc biệt, giúp sinh viên có thêm vốn sống để “phòng thân”. Cô nói là con gái phải công, dung, ngôn, hạnh, là con gái phải luôn ghi nhớ “ Càng treo giá ngọc càng cao phẩm vàng”… Cô như người mẹ hiền vừa xinh đẹp, dịu dàng vừa ân cần, chu đáo, giúp chúng tôi nhanh chóng quen môi trường mới.

dai-sp-hn.jpg
Khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thầy khổ vì không được ăn bánh đúc... ở chợ!

Trên giảng đường, thầy Đỗ Hữu Châu dạy ngôn ngữ. Thầy Nguyễn Khắc Phi dạy thơ Đường. Cô Thanh Lê giảng Truyện Kiều. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh dạy Văn học Việt Nam…. Còn rất nhiều thầy, cô khác nữa, mỗi thầy, cô đều là một tấm gương cả về kiến thức cả về nhân cách mẫu mực.

Thầy Phùng Văn Tửu luôn đúng giờ, đúng đến mức không giờ nào ra sớm hay vào muộn dù chỉ ¼ phút.

Thầy Hoàng Dung thì tâm sự nỗi niềm của người làm thầy, hạnh phúc cũng nhiều nhưng giữ gìn cũng lắm, để mô phạm thì phải mô phạm mọi lúc, mọi nơi. “Giả sử thầy Hoàng Dung ăn bánh đúc ở Chợ Xanh xem, ngay lập tức hôm sau cả trường, thậm chí cả Hà Nội biết”, đó cũng là cái khổ của người làm thầy!

Thầy Nguyễn Khắc Phi có vợ làm bác sỹ. Thầy thường nói với cô “Tôi hạnh phúc hơn bà vì mỗi sáng sớm tôi được các gương mặt xinh xắn với nụ cười tươi tắn đón chào. Còn chào bà chỉ toàn gương mặt nhăn nhó của bệnh nhân”…

Với chúng tôi, khi đó, mỗi câu chuyện dí dỏm mà các thầy kể cho nghe đều tạo nên niềm hứng thú lớn lao, chuyển hóa thành động lực để chúng tôi vượt gian khó, học hành say mê.

Lạc lối ở chân trời tri thức

Thư viện luôn là không gian tĩnh lặng, nghiêm minh mà chúng tôi yêu thích. Tại đó, chân trời tri thức được mở ra. Hầu như lên đọc sách lần nào cũng bị cán bộ thư viện nhắc hết giờ, phải về trong luyến tiếc.

Đâu phải như bây giờ, nhiều lúc cần thông tin là hỏi bác google. Ngày đó, cả chân trời tri thức, với chúng tôi là nằm trên trang sách, là giáo trình, là bài giảng của thầy, cô, là thư viện. Làm tiểu luận, luận văn đều trên thư viện, học ở thư viện, mở mang tầm mắt cũng thư viện…

ngu-van-33.3.jpg
Tập thể lớp Văn khoá 33 sau giờ tập quân sự.

Trai khoa Toán có cái thìa đút túi

Tất nhiên, sinh viên không đơn thuần chỉ học và học. Bên cạnh nhiệm vụ chính ấy là việc sinh hoạt hàng ngày, bữa cơm đạm bạc, ít thịt, ít cả rau, mà chủ yếu là rau cải soong, mùi hăng hắc.

Sinh viên Khoa Ngữ văn nhiều nữ, đi đứng khá nhẹ nhàng, xuống bếp ăn có xếp hàng cũng lịch sự, ăn đói cũng không kêu ca, đôi khi cơm nhão thì bảo nhau “Hãy coi đó như xôi vò nhé, ăn đi, ngon lắm”. Khác với các bạn nam khoa toán, xuống bếp ăn, đi nhanh, nói lớn, nhiều bạn chỉ có mỗi cái thìa đúc túi, quên bát hay chẳng có bát… chỉ các bạn ấy biết.

Cả Khoa cũng chỉ một bể nước, lấy nước rửa mặt hay tắm, giặt đều phải xếp hàng, mà vòi nước lại cứ chảy chậm rề rề như không thèm quan tâm có bao người chờ đợi… Cạnh bể nước trước sân là gốc nhãn cọc còi từng đi vào thơ, phú, nơi chứng kiến bao mối tình sinh viên trong sáng và bao phút xao lòng…

Ngày ấy, mỗi khi có bóng đá quốc tế, sinh viên lại lặn lội sang Trường Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia bây giờ) để xem nhờ, xem ké. Mỗi buổi đi dã ngoại, lại hát vang câu hát chế “Mặt trời Khoa Văn không ở trên tầng 3/Mặt trời Khoa văn trong bác lái xe”…

Trai Bách Khoa sợ gái Ngữ văn bắt bẻ câu chữ

Hồi đó hồn nhiên và đáng yêu khó tả. Những dịp cận kề 20/11 hàng năm, từng dòng người chảy về Sư phạm. Họ chủ yếu vào A7 thăm và chúc mừng các nữ sinh khoa Ngữ văn.

Lúc đó, chúng tôi khá kiêu, khá nhiều trò tinh nghịch. Khi không muốn tiếp ai thì trùm chăn, giả vờ đi vắng, hoặc giả vờ ốm… cũng có khi, biết khách nào hay ngồi dai thì mang len sợi đôi ra nhờ tách…

Còn nhớ, có anh bạn học Đại học bách khoa, nói rằng sang chơi với Khoa văn các em thích nhấ. Nhưng vừa thích vừa sợ, vì các em nói chuyện hay nhưng cũng hay bắt bẻ câu chữ…

Toán - Văn đối đầu bằng "ngôn ngữ" 

Dãy nhà A6 có khoa Toán. Dãy nhà A7 có khoa Văn. Trước mặt khoa Văn là cửa sổ các gian phòng của khoa Toán. Như một món nợ truyền kiếp hay còn gọi là thú vui truyền đời: cứ ngày mai thi tốt nghiệp là đêm nay hai khoa “chửi nhau”.

Cho dù trong hai khoa có các cặp đôi yêu nhau hay có anh em, họ hàng thân thiết thì đêm trước ngày tốt nghiệp, nhất định Khoa Văn ra cửa trước, khoa toán ra cửa sổ choảng nhau bằng ngôn ngữ.

Khoa Toán bí từ, yêu khoa văn mấy cũng phải chửi câu “Khoa văn chúng mày toán Chí Phèo, Thị Nở”. Khoa Văn cũng đọc Hịch đáp trả. Hùa theo là tiếng gõ mâm, gõ bát… rồi cười hả hê… Là nói thế thôi chứ sáng sau gặp nhau lại chào hỏi, lại cười nói như chưa từng có chuyện đêm qua!

Gắn với nhà A7, có biết bao vui buồn, tôi từng gọi đó là thuở 18…

Tuổi 18 mái tóc dày thơm ngát

Ánh mắt nhìn trong sáng thơ ngây

Thời gian vô tình trôi, như nước chảy

Bạn bè ơi thao thiết nhớ những ngày

Sân A7 dòng người như suối chảy

Khi mỗi chiều thứ 7, dù mưa rơi

Ánh mắt nào tha thiết tuổi đôi mươi

Thao thiết lắm bời bao điều muốn nói

Thời gian vẫn chảy trôi không chờ đợi

Phượng vẫn nở mùa hè và lá rụng mùa thu

Chỉ một nỗi niềm thôi, xa xót đến không ngờ

Cây trút lá… tuổi hai mươi xa quá….

ngu-van-33.2.jpg

Tuổi 20 đã xa!

Đúng là đã rất xa tuổi 20. Lời hứa trước lúc chia xa là cứ 5 năm mang theo vợ/chồng và con cái để họp lớp không thực hiện được. Nhưng trong chúng tôi, kỷ niệm thời sinh viên đẹp đẽ không bao giờ phai nhạt. Nhưng chúng tôi luôn dõi theo mái trường yêu dấu.

Các thầy cô của chúng tôi thuở đó, người mất, người còn. Nhưng kiến thức quý báu ngàn vàng mà các thầy cô truyền dạy, mãi mãi là hành trang cho chúng tôi mang theo bên đời.

Nhân kỷ niệm 70 năm, xin được thêm một lần bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành và lời tri ân sâu sắc nhất tới các thầy, các cô- những bậc vĩ nhân cao siêu mà gần gũi, tri ân sâu sắc mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi nuôi dưỡng và nhân rộng nhân tài cho cả nước, cho bốn bể, năm châu.

Bài liên quan
Bỏng mắt với vòng 1 trễ nải của “cô giáo" Midu
Lần hiếm hoi diện áo xẻ sâu khoe vòng 1 căng tràn của Midu khiến người hâm mộ không khỏi xuýt xoa.

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kỷ niệm của nữ sinh Ngữ văn - Đại học Sư phạm (khóa 1983-1987)